Sáng 27/10, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài Nguyên & Môi trường Hà Nội tổ chức Toạ đàm trực tuyến chủ đề “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”.
Ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, để nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế nhựa, đồng thời đưa các sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống cần phải có giải pháp đồng bộ đi từ ý thức của người dân đến trách nhiệm của doanh nghiệp tái chế và các cơ quan quản lý của nhà nước.
Toạ đàm tập trung thảo luận về làm rõ thực trạng công nghệ tái chế chất thải nhựa hiện nay; đồng thời hiến kế, đề xuất các giải pháp đưa sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống hiệu quả.
Lãng phí “tài nguyên rác”
Thời gian qua, với mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản, công văn yêu cầu các sở, ban ngành về việc thực hiện các giải pháp giảm thiếu chất thải nhựa.
Bà Nguyễn Thị Hưởng, Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, từ ngày 1/11/2020, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường...
Đại diện Chi cục BVMT Hà Nội đánh giá, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh...; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...
“Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến”, bà Hưởng nói.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Như vậy, ngành Công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn.
Theo bà Hưởng, mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành Công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Nguyên nhân là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.
Phát triển các công nghệ tái chế
Vậy thì chúng ta cần tái chế nhựa như thế nào? Ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC) cho rằng, nhựa như nhiều vật liệu khác, cơ bản làm từ dầu mỏ, tài nguyên hữu hạn, khác với tài nguyên vô hạn, chúng ta cần làm như thế nào để tận dụng các giá trị của nó mà không gây tác động tới môi trường.
Nhìn công nghệ tái chế ở Việt Nam và Hà Nội, hiện quy trình phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới. Nhưng với quy mô lớn thì chưa có. “Sở TN&MT từng giới thiệu nhiều cơ sở và họ đều đảm bảo quy trình nhất đinh. Ví dụ như nếu muốn chuyển từ chai nước ra sợi polyester thì công nghệ cần sẽ khác với công nghệ đưa chai nhựa đốt ra hạt. Do đó, mục đích khác nhau thì đòi hỏi công nghệ khác nhau”, ông Bái nói.
Theo chuyên gia, chúng ta đã có gần 10 năm ban hành tiêu chuẩn túi nilon. Đây thực chất là màng plastic, càng dầy thì càng sử dụng nhiều lần, nhưng đồng nghĩa với chi phí sản xuất lớn. Để sản xuất ra 1kg túi nilon thì ước tính chi phí là 30 - 40.000 VNĐ; do đó, nếu sản xuất càng mỏng thì sẽ làm được càng nhiều túi, dẫn đến các gia đình càng sử dụng nhiều thì càng thải ra nhiều. Do đó, cần tiêu chuẩn chỉ sản xuất túi nilon với độ mỏng nhất định, điều này sẽ giúp túi được sử dụng nhiều lần hơn và ít thải ra môi trường nhiều hơn.
“Đặc biệt, sắp tới đây Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ đưa vào khái niệm kinh tế tuần hoàn sẽ là công cụ chính sách buộc người tiêu dùng đến nhà sản xuất có trách nhiệm hơn trong việc tận dụng các vật liệu đã qua sử dụng”, ông Bái nói.
Liên quan đến công nghệ tái chế, ông Bái cho biết, hiện chúng ta đang có 3 công nghệ tái chế chính. Công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sach, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester. Công nghệ tái chế thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng rủi ro là với nhựa y tế, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh, nên cần có sự kiểm soát chặt. Công nghệ thứ 3 là biến chất thài nhựa thành 1 phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bêtông, hiện TP Hồ Chí Minh đang áp dụng công nghệ này.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phát triển thêm một số công nghệ khác”, chuyên gia nhìn nhận.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn