Năm 2030: Đo vẽ bản đồ toàn bộ diện tích đất liền và trên biển
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam cần đo vẽ, lập bản đồ trên toàn bộ diện tích đất liền và vùng biển. Điều này giúp quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản.
* Lập bản đồ khoáng sản trên đất liền Theo lộ trình đặt ra, Việt Nam sẽ có 75% diện tích phần đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Tỷ lệ này đến năm 2030 là 100%. Công tác đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản để lập bản đồ địa chất hướng đến phục vụ việc phát hiện, dự báo triển vọng tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác, xác định hiện trạng môi trường địa chất và dự báo các tai biến địa chất, từ đó, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản của Việt Nam. Đến cuối năm 2018, khoảng 71% diện tích lãnh thổ phần đất liền (tương đương gần 235 nghìn km2 ) đã được lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 với trên 5000 điểm khoáng sản được phát hiện. Theo thông tin của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tất cả các đô thị loại 1, 2 và hầu hết đô thị loại 3 đã được điều tra địa chất, thành lập hệ thống bản đồ địa chất, khoáng sản, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa chất môi trường, bản đồ sử dụng đất phục vụ quy hoạch phát triển đô thị. Kết quả thực hiện năm 2020, có 73% diện tích lãnh thổ phần đất liền được lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000. Để hoàn thành lộ trình, Việt Nam cần tăng cường tối đa năng lực quản lý, lập kế hoạch điều tra, khảo sát cụ thể để hướng đến mục tiêu 100% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 vào năm 2030.
* Liệu có hoàn thành mục tiêu 100% diện tích phần đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000? Mục tiêu 100% diện tích phần đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000 vào năm 2030 và trước đó, lộ trình đến năm 2025 là 70% hiện còn nhiều thách thức. Theo số liệu của Bộ TN&MT, diện tích đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000 tính đến hết năm 2020 đạt 27,3%, rất thấp so với lộ trình đặt ra cho năm 2020 là 50%. Nếu không tích cực cải thiện tình hình trong những năm tới thì Việt Nam có nguy cơ không đạt tỷ lệ bao phủ 100% diện tích đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000 như lộ trình đề ra. Đáng lưu ý là công tác bay đo từ phổ gamma nếu chỉ nhằm mục đích đánh giá và dự báo triển vọng khoáng sản, hướng đến khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản thì không nhất thiết phải đạt được mục tiêu bay đo 100% diện tích đất liền mà chỉ cần tập trung vào các vùng có tiềm năng khoáng sản cao, phù hợp với việc khai thác ở quy mô lớn hoặc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và cần đạt độ chi tiết cao. Vì vậy, Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh lộ trình cho chỉ tiêu này cho các năm tiếp theo. * Thúc đẩy đo vẽ từ, trọng lực vùng biển đảo Theo số liệu của Bộ TN&MT, tính đến tháng 6 năm 2019 mới chỉ có 25% diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được bay đo từ, trọng lực tỷ lệ 1:250.000. Hiện vẫn còn khoảng 18% diện tích vùng biển chưa được lập hải đồ, bản đồ. Phần lớn diện tích vùng biển nông và vùng biển sâu, xa bờ chưa được điều tra địa chất khoáng sản biển. Năm 2013, Dự án “Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thực hiện. Hy vọng rằng, khi kết quả nghiên cứu của dự án này được hoàn thiện, đưa vào triển khai thực tế cũng như khi công nghệ và kỹ thuật được chuyển giao đầy đủ thì tỷ lệ diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được bay đo từ, trọng lực tỷ lệ 1:250.000 có triển vọng sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới.