Về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được quy định cụ thể tại Điều 5 Luật Khoáng sản và Điều 16 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, song, để cụ thể và chi tiết hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản trong thời gian tới.
Cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010. Cụ thể, quy định cụ thể trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản tại địa phương. Bổ sung báo cáo định kỳ khoáng sản 6 tháng đầu năm và 12 tháng để đảm bảo định kỳ tổng hợp kết quả khai thác và kịp thời nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản. Riêng sản lượng khai thác quy định hàng tháng phải có báo cáo với cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, về chính sách bảo hộ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác (Điều 5, Luật Khoáng sản), các khoản quy định chưa cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp và định mức nghĩa vụ đóng góp, loại công trình nào cần phải xây dựng cho địa phương. Đề nghị cần quy định cụ thể, để có căn cứ thực hiện.
Về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản (Điều 45) tại khoản 1 Luật Khoáng sản 2010 có ghi “1. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn”.
Tuy nhiên, thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản (khoản 2 Điều 50) tối đa là 06 tháng. Như vậy, khi được phê duyệt trữ lượng khoáng sản, tổ chức, cá nhân cũng hết quyền ưu tiên nên vướng mắc trong thực hiện, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Trả lời ý kiến về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, về bổ sung báo cáo định kỳ khoáng sản, tại Chương III Luật Khoáng sản năm 2010 quy định bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, theo đó đã quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp, của các bộ, cơ quan ngang bộ, của các tổ chức, cá nhân và kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã quy định chi tiết cụ thể về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp.
Như vậy, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật. Điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ- CP nêu trên quy định báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản; báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, theo đó quy định báo cáo định kỳ được thực hiện một năm một lần, ngoài ra còn quy định về chế độ báo cáo đột xuất.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản một năm hai lần, sản lượng khai thác báo cáo hàng tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận kiến nghị này để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung trong thời gian tới.
Về chính sách bảo hộ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, Bộ TN&MT cho rằng, quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được quy định cụ thể tại Điều 5 Luật Khoáng sản và Điều 16 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Trong đó khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản đã quyđịnh trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản như: Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; Cùng vớichính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.
Song, để cụ thể và chi tiết hơn, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản trong thời gian tới.
Về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Khoáng sản: “Thời hạn thăm dò khoáng sản bao gồm thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, thời gian trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản và thời gian lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản”.
Như vậy, khi lập Đề án thăm dò khoáng sản, chủ đầu tư phải dự kiến tổng thời gian hoàn thành đề án thăm dò; trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét, cấp giấy phép thăm dò khoáng sản với tổng thời gian hoàn thành đề án bao gồm: thời gian thi công công tác thăm dò, thời gian lập báo cáo kết quả thăm dò, thời gian phê duyệt trữ lượng và thời gian lập dự án đầu tư khai thác. Do đó, quy định về thời hạn ưu tiên tại Điều 45 Luật Khoáng sản là phù hợp.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)