10 năm thực hiện Luật Khoáng sản - những đóng góp cho nền kinh tế: Tìm giải pháp gỡ khó
Sau 10 năm thực thi Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT đang tiến hành rà soát, đánh giá và nhận thấy, một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, vì vậy, sửa đổi Luật khoáng sản để phù hợp với tình hình mới là nhiệm vụ then chốt hiện nay.
Còn nhiều tồn tại, bất cập Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, chế biến; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật do hoạt động khoáng sản gây ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt hoạt động khai thác trái phép, đến nay, tình trạng này đã giảm cả về số lượng địa phương có hoạt động khai thác trái phép cũng như số lượng các khoáng sản bị khai thác trái phép. Tuy nhiên, khai thác trái phép khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, dù đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn. Còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu không chỉ về môi trường và cả về kinh tế - xã hội.
Tìm hướng giải quyết những tồn tại Để khắc phục những vấn đề trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất các giải pháp cụ thể. Theo đó, cần đẩy mạnh và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, các địa phương hoàn thành việc xây dựng Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh hai hay nhiều tỉnh nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý; tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát, sỏi nói riêng. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao để phát triển đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng cục sẽ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong tháng 10/2021 để Bộ trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trình trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02-NQ/TW nhằm định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược địa chất và khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Triển khai đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật Khoáng sản sau 10 năm thực hiện, rà soát các vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tiễn để xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản nhằm thống nhất nội dung quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn tới.