Tiếp sau cuộc họp cấp cao, vào ngày 17 tháng 11 năm 2018, COP14 đã được khai mạc mở đầu cho 2 tuần làm việc từ ngày 17 đến 29 tháng 11 năm 2018 với sự tham gia của hơn 190 nước thành viên. COP14 được tổ chức đồng thời với Cuộc họp lần thứ 9 của các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (MOP9) và Cuộc họp lần thứ 3 của các bên tham gia Nghị định thư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen (MOP3).
Tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Tại COP14, các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận về các vấn đề có tính chiến lược của Công ước như Khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020 tiếp nối Kế hoạch Chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020; các nội dung về tài chính và việc vận hành Công ước và các Nghị định thư, hướng tới mục đích ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái giúp đảm bảo an ninh lương thực, nước và sức khỏe. Cụ thể hơn, mục tiêu mong đợi tại cuộc họp này, các bên sẽ thống nhất thông qua: (1) Hướng dẫn tự nguyện về khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn theo vùng; (2) hướng dẫn về tiếp cận dựa vào hệ sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai; (3) hướng dẫn ngăn chặn sự xâm nhập không chủ đích của sinh vật ngoại lai xâm hại; và (4) kế hoạch hành động toàn cầu giai đoạn 2018 – 2030 về bảo tồn và sử dụng bền vững các loài thụ phấn, rất quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu…
Bên cạnh đó, các vấn đề bảo tồn sẽ được dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận như vấn đề bảo tồn biển bao gồm cả các vùng sinh thái biển quan trọng, hay các vấn đề về công nghệ mới như vấn đề đánh giá và quản lý rủi ro đối với sinh tổng hợp, nội dung về chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng thông tin kỹ thuật số về nguồn gen…
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn