Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Về phía Đoàn công tác của Pháp có Bà Laure Grazi, đại diện Đại sứ quán Pháp và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến thành phố thông minh và bền vững.
Đây là cuộc gặp tiếp nối và hiện thực hóa những trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bà Quốc vụ khanh Bộ chuyển đổi sinh thái và Đoàn kết nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Pháp trong tháng 3/2018.
Đại diện phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Ngọc Tuấn hoan nghênh Đại sứ quán Pháp đã tổ chức Đoàn công tác sang trao đổi với Bộ về đề tài phát triển thành phố thông minh. Ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay, xây dựng các thành phố thông minh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một xu thế. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi với các cơ quan liên quan của Pháp về kinh nghiệm xây dựng mô hình này và áp dụng thí điểm tại Việt Nam.
Trao đổi tại buổi tiếp, đại diện Đại sứ quán Pháp cho biết, việc xây dựng thành phố thông minh và bền vững sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề về thiết kế đô thị hợp lý, đạt tính bền vững; hạn chế các hệ lụy của quá trình đô thị hóa về rác thải, năng lượng và chất lượng không khí; và các thức quản lý tối ưu và thông minh các vấn đề của đô thị… Đại sứ quán Pháp cũng khẳng định Cộng hòa Pháp có nhiều kinh nghiệm trong phát triển thành phố thông minh và bền vững và mong muốn có thể trao đổi với phía Việt Nam để thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.
Đại diện các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp của Pháp trao đổi các kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phát triển các thành phố thông minh. Đồng thời, nêu lên các kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong các lĩnh vực liên quan đến thành phố thông minh và bền vững như xử lý rác thải sinh hoạt, quản lý giao thông đô thị, quan trắc chất lượng không khí, quản lý năng lượng và các vấn đề môi trường, các giải pháp công nghệ thông tin, các giải pháp về cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng…
Trao đổi với đoàn công tác, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất một số định hướng hợp tác liên quan thành phố thông minh và bền vững như quản lý chất lượng không khí, quản lý rác thải nhựa, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng thành phố bền vững, chống chịu với biến đổi khí hậu…
Sau cuộc gặp này, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về các bước triển khai tiếp theo, tiến tới xây dựng và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ tài nguyên và môi trường với Bộ chuyển đổi sinh thái và Đoàn kết của Cộng hòa Pháp về xây dựng các thành phố thông minh và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn