Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan gồm: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ.
Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo đến thời tiết, thiên tai nước ta, đồng thời các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát sỏi) phía thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai đã đưa ra tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới.
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, khoa học của các đơn vị trong bộ.
Theo báo cáo của ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục đã phối hợp xây dựng kế hoạch sơ bộ với các phương án tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan trên cơ sở các dự án, nhiệm vụ mà các đơn vị đang triển khai liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.
Tại cuộc họp, các đơn vị cũng báo cáo kế hoạch chi tiết về các nhiệm vụ của từng đơn vị sẽ tham gia trong kế hoạch hành động chung của Bộ về công tác phòng, chống thiên tai như: cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chia sẻ dữ liệu vận hành hồ chứa, vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới; tiếp tục điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trên tinh thần khẩn trương xây dựng kế hoạch, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành lập Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua đó, rà soát các nhiệm vụ mà Bộ được giao cũng như các nhiệm vụ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để lên một kế hoạch tổng thể, toàn diện. Đồng thời, Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung ngay các dữ liệu về hồ chứa, các nguồn nước xuyên biên giới, các khu vực có nguy cơ sạt lở… để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo kịp thời mùa mưa lũ sắp tới. Thứ trưởng cho rằng, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nêu trong Nghị quyết, Kế hoạch phải quan tâm và tính toán đến một số vấn đề quan trọng như khai thác cát, sỏi lòng sông gây sụt lở lòng sông, ảnh hưởng chế độ thủy văn tại các tỉnh phía Nam; các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sắp được xây dựng… “Vấn đề hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin trên về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới là rất quan trọng. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai thì cần phải kết hợp tốt giữa các biện pháp công trình và phi công trình theo hướng đa mục tiêu.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh. BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn