Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo Luật).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan hữu quan đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ và Hội trường, đồng thời tổ chức Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.
Tiếp thu ý kiến và nghiên cứu đưa ra những giải pháp cho dự án Luật BVMT (sửa đổi)
Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đã gửi Báo cáo tới UBTVQH một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi trong đó mong muốn các thành viên của UBTVQH tập trung thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo các vấn đề chính:
Về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, trước một số ý kiến đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Thường trực Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết: Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thì dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư năm 2020 quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” là một nội dung của báo cáo đề xuất dự án đầu tư; đối tượng và nội dung được thực hiện theo quy định của pháp luật về BVMT. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT trình UBTVQH theo 02 phương án:
Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình): Tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện, trong khi đó Luật BVMT năm 2014 chưa có quy định này.
Phương án 2 (Phương án tiếp thu ý kiến ĐBQH): Như được thể hiện tại Điều 30 “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” của dự thảo Luật là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác.
Nếu thực hiện phương án này, cũng như Phương án 1 thì phải sửa một số quy định liên quan đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất.
Dự thảo Luật BVMT sửa đổi dự kiến thay cụm từ “đánh giá tác động sơ bộ về môi trường” (Khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công) thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” (Khoản 6 Điều 30) của Dự thảo mới Luật này.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Bộ TN&MT nhất trí với phương án 2.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện có 2 nhóm ý kiến như sau: Thứ nhất, nhất trí với phương án tại Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.
Nhóm ý kiến thứ hai, không nên giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM mà chỉ giao cho Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với nhóm ý kiến thứ hai như quy định tại khoản 3 Điều 36 của Dự thảo Luật.
Về giấy phép môi trường, các ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT trình UBTVQH 02 phương án:
Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình): Chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường.
Phương án 2: Vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước (QLNN) mà Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT.
Về quản lý chất thải, cụ thể là đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng, đây là nội dung mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Dự thảo Luật được nhiều ĐBQH ủng hộ, dư luận quan tâm. Các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người. Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao. Do đó Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng xin UBTVQH cho ý kiến chỉ đạo.
Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, có ý kiến cho rằng việc phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường chưa căn cứ vào tính chất của chất thải. Đề nghị rà soát, chỉnh sửa, phân loại lại. Đề nghị bổ sung quy định để có thể sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than hiệu quả.
Về quản lý chất thải nguy hại, có ý kiến cho rằng việc không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại có quy mô trong địa bàn một tỉnh có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do phải vận chuyển chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh. Vì vậy nên khuyến khích gần những nơi có nguồn phát sinh. Đối với địa phương có phát sinh chất thải nguy hại thì phải có cơ sở xử lý, không được mang sang địa phương khác; khuyến khích cơ sở đủ điều kiện đồng xử lý CTNH. Căn cứ trên thực tiễn hiện nay và tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý “Không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại có phạm vi phục vụ trên địa bàn một tỉnh, trừ trường hợp đồng xử lý chất thải nguy hại” tại khoản 3 Điều 85.
Đối với quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Bộ TN&MT đã thống nhất chỉnh sửa quy định này như sau: “Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải và pháp luật liên quan” (khoản 10 Điều 64) để bảo đảm thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật với pháp luật về giao thông…
Về công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường, cụ thể là vấn đề thuế, phí BVMT, một số ý kiến đề nghị những nội dung về mức thuế, khung thuế, phí BVMT cần thực hiện theo quy định của Luật thuế BVMT, pháp luật về phí và lệ phí. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần quy định nguyên tắc về vấn đề này trong Luật BVMT nhằm điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường. Nội dung này được nhiều vị ĐBQH quan tâm, trong quá trình nghiên cứu, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Bộ TN&MT đã tổ chức các buổi tham vấn ý kiến chuyên gia. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định về thuế, phí BVMT hiện hành chưa phát huy hiệu quả mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, giảm phát thải.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Bộ TN&MT đưa ra hai phương án và thống nhất với phương án theo nội dung: Tiếp thu chỉnh lý theo hướng Luật BVMT quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về nội dung thuế BVMT, phí BVMT; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính trong việc đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường; đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường như tại Điều 138. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về thuế, phí BVMT được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, pháp luật về phí, lệ phí.
Về ngân sách nhà nước cho BVMT, một số ý kiến cho rằng muốn bảo đảm mục tiêu BVMT phải có nguồn lực từ NSNN rõ ràng, đề nghị quy định tăng chi ngân sách cho BVMT. Có ý kiến đề nghị ít nhất phải từ 3 đến 5% GDP/năm. Có ý kiến đề nghị không quy định tỷ lệ cứng NSNN chi cho hoạt động BVMT.
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW (năm 2006) của Bộ Chính trị, hàng năm Nhà nước đã bố trí không dưới 01% tổng chi NSNN cho các hoạt động sự nghiệp môi trường. Việc triển khai thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Để khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã quy định NSNN có mục chi riêng cho hoạt động BVMT (không chỉ là chi sự nghiệp) và tăng chi để bảo đảm mức chi tối thiểu 01% tổng chi NSNN theo yêu cầu BVMT và điều kiện KT-XH của đất nước từng giai đoạn; mục chi riêng cho hoạt động đầu tư phát triển BVMT như tại khoản 3 Điều 151. Quy định này để bảo đảm nguồn lực bố trí cho các dự án lớn, trung hạn nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường do lịch sử để lại, thực hiện các nội dung chính sách về BVMT thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Với những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đề nghị có quy định mức chi cụ thể NSNN cho BVMT trong dự thảo Luật trình UBTVQH cho ý kiến về vấn đề này.
Về xử lý vi phạm, về thanh tra, kiểm tra, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về xử lý vi phạm, về thanh tra, kiểm tra (Điều 167, Điều 168) công tác BVMT bảo đảm tính thống nhất với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, thanh tra và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước; đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của thanh tra môi trường với nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát môi trường.
Nội dung này có nhiều điểm mới so với Luật BVMT 2014 như về thanh tra, kiểm tra đột xuất không cần thông báo trước, quy định thời hiệu xử phạt và quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu vực công cộng được phạt theo quy chế nội bộ về giữ gìn vệ sinh để giáo dục, răn đe kịp thời ý thức BVMT của người dân.
Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Khoản 4 Điều 167 Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc “Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về BVMT không được chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân; có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT và lực lượng cảnh sát môi trường”.
Về quy định BVMT nơi công cộng đã thể hiện lại điểm c khoản 2 Điều 58 để tránh hiểu nhầm là các tổ chức, cá nhân quản lý khu vực công cộng được xử phạt vi phạm hành chính. Đây là nội dung rất chi tiết, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành, vì thế, sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã tích cực phối hợp với Ủy ban KH,CN&MT chỉnh sửa các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, các thành viên UBTVQH để hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này. Các vấn đề sửa đổi sẽ đảm bảo có một dự án luật không phân tán, mà đồng bộ và đảm bảo tính xuyên suốt, có sức sống và tầm nhìn.
Bộ TN&MT cũng họp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an… để thống nhất các nội dung trong dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo giữa Luật và các cơ quan quản lý khác nhau.
Dự thảo Luật cũng đã đưa ra những nguyên tắc, trách nhiệm của từng cơ quan, bộ ngành, địa phương trong công tác quản lý BVMT và có những quy định gắn trách nhiệm của các bên từ giám sát, quản lý, trách nhiệm của Doanh nghiệp, người dân…đồng thời cắt giảm được các thủ tục hành chính mà vẫn bảo được vấn đề giám sát chặt chẽ thực hiện các quy định của pháp luật đề ra.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng: Luật Bảo vệ môi trường có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, và người dân. Thời gian qua Bộ Tài nguyên và môi trường đã có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung và Mặt trận đã tổ chức hội nghị góp ý, trong đó có nhiều nội dung đã được Bộ tiếp thu.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn và chất thải lớn cần phải quy định rõ cơ chế thu hút đầu tư tại cơ sở. Nếu từng địa phương thu hút đầu tư cơ sở xử lý chất thải sẽ không phát huy hết công suất về nguyên liệu. Do đó thế nào là rác thải đủ lớn thì Luật cần quy định rõ thêm. Những vấn đề trong quản lý bụi, khí thải, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, nước thải trong Luật đã quy định khá đầy đủ nhưng cần giải pháp rõ hơn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm làm sao phân cấp rõ hơn trong vấn đề xử lý của cấp Trung ương và địa phương. “Như vừa qua phân cấp cho Chủ tịch UBND xã, huyện nhưng việc xử lý còn vướng, chưa nghiêm, tức là cần làm rõ trách nhiệm của các cấp. Vì hiện có cảnh sát môi trường, thanh tra, xử lý vi phạm nhưng cái quan trọng chính là xử lý tin tố giác của người dân. Cho nên các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý tin báo tố giác của người dân”- Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng Cảng Hải Phòng nhập phế liệu mà không biết chủ là ai? Cái này phải quy định chặt chẽ hơn chứ lỏng như những trường hợp vừa rồi là không ổn, bởi việc nhập khẩu, xử lý phế liệu không đóng góp nhiều cho ngân sách, cải thiện việc làm bao nhiêu.
Đề cập đến vấn đề xử lý vi phạm hành chính, ông Giàu cho rằng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định phạt về những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường với mức phạt tối đa là 40 triệu đồng còn hành vi không BVMT không biết xử phạt bao nhiêu? Do đó cần quan tâm đến vấn đề này. Bởi việc giáo dục chung chung hiệu quả không cao, việc giáo dục gắn với xử lý vi phạm hành chính hiệu quả sẽ tốt hơn.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, hiện đã có quy định rồi nhưng làm sao ngăn chặn không để phế liệu rác thải nhập về Việt Nam. Hiện tại một số nước đã không còn xử lý rác thải phế liệu mà ta vẫn nhập để để xử lý, trong khi việc này rất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, quan trọng chính là “chuẩn ra” của nước thải thế nào. Vì vậy cần rà soát lại Luật này với Luật Thủy lợi, trong đó có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu thấy nước thải ra không đạt chuẩn thì không cho xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó cần phân loại chất thải rắn làm 3 loại và giao cho UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định. Đây là vấn đề đề cập cả 10 năm qua nhưng chưa thực hiện hiệu quả. Do đó cần gắn với ý thức của người dân, đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền, tạo nên ý thức ngay từ trẻ nhỏ…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị và phối hợp của Uỷ ban KH, CN&MT với Bộ TN&MT để tiếp thu và hoàn thiện cho một dự án Luật đồ sộ và có tác động rất lớn tới đời sống, kinh tế, xã hội.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá rằng: Báo cáo đánh giá tác động môi trường mình Bộ TN&MT không bao quát hết được. Cho nên cần phân cấp, giao quyền cho các bộ chuyên ngành quản lý công trình chuyên ngành để UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh gia tác động môi trường từ xây dựng, công thương, nông nghiệp, giao thông. Bên cạnh đó, phải quy định phân loại rác thải từ nguồn từng hộ gia đình để tạo nếp chứ không phải đợi tới nhà máy mới phân loại.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng một chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như có những cách thức tạo thuận lợi, khuyến khích người dân thực hiện. Qua đó sẽ dần thay đổi ý thức của người dân và toàn xã hội như vấn đề phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Việc phân loại rác thải, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là phải trở thành ý thức của từng nhà, chứ không phải đến nhà máy mới phân loại. Nếu mỗi nhà có một thùng rác 3 ngăn với mầu khác nhau để phân loại rác thải. Muốn người dân có thói quen thì sản xuất, tiêu dùng cũng phải tính đến các phương án sản xuất, xây dựng để người dân quan tâm, phân loại rồi dần trở thành ý thức, phong trào. Chủ tịch Quốc hội trích dẫn trong Hiến pháp 2013 rằng: “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, do đó Luật BVMT (sửa đổi) là rất quan trọng và cần được hoàn thiện sớm để mọi tầng lớp có thể được quyền hưởng môi trường trong sạch.
Đối với vấn đề công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với quan điểm, muốn bảo đảm mục tiêu BVMT phải có nguồn lực từ NSNN rõ ràng và cũng đồng ý với ý kiến là không quy định tỷ lệ cứng NSNN chi cho hoạt động BVMT. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy Ban KH,CN&MT cần phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra và xem xét vấn đề chi ngân sách cho bảo vệ môi trường.
Với những vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban KH,CN&MT cùng với Bộ TN&MT phối hợp và luật hóa các vấn đề chi tiết để khi Luật ban hành sẽ đi vào thực tiễn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ làm rõ, tiếp thu, bổ sung những ý kiến tại cuộc họp. Đồng thời, giao Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xem xét các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến đại biểu quốc hội sớm đưa ra Quốc hội để thông qua.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn