Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị trực tuyến về Mạng lưới Thực hành Quy định tốt ASEAN – OECD lần thứ 6 đều cho rằng các nước cần phải đưa ra những chính sách, quy định linh hoạt để ứng phó kịp thời với COVID-19.
Nhiều kinh nghiệm cải cách trong bối cảnh COVID-19
Chia sẻ những cải cách trong COVID-19 của Việt Nam, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, cải cách và cắt giảm gánh nặng quy định và thủ tục hành chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Trong COVID-19, Chính phủ Việt Nam càng khẳng định tầm quan trọng của cải cách; đồng thời đưa ra những chính sách, quy định linh hoạt hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân cũng như điều chỉnh quy định kinh doanh. Đơn cử như: Giảm thuế, phí cho doanh nghiệp; gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật là người nước ngoài; đẩy nhanh cấp phép đầu tư dự án; thực hiện sớm quy định miễn giấy phép xây dựng; đóng góp, ủng hộ chống dịch COVID-19 là chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Do yêu cầu giãn cách xã hội, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa các thủ tục hành chính lên Cổng DVCQG để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Các TTHC hỗ trợ chống dịch COVID-19 như: Đăng ký vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất cho doanh nghiệp, thuế và tiền thuê đất cho cá nhân…
Theo ông Ngô Hải Phan, một số bài học được rút ra trong cải cách quy định và thủ tục hành chính của Việt Nam, đó là sự ủng hộ và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo cấp cao là điều kiện tiên quyết thực hiện cải cách; sự điều phối, thúc đẩy từ trung tâm của Chính phủ; áp dụng các phương pháp định lượng rõ ràng và các thông lệ quốc tế tốt; sự hợp tác, đồng hành của Chính phủ và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia độc lâp; bám sát nhu cầu thực tiễn, lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm của Myanmar về điều chỉnh quy định để ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Aung Naing Oo, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại (Myanmar) cho biết, Myanmar đã có kế hoạch giảm nhẹ ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 (CERP). Kế hoạch này đưa ra quy trình phê duyệt nhanh, khuyến khích các dự án năng lượng sạch; khuyến khích các dự án hạ tầng chiến lược; đơn giản hóa thủ tục đầu tư sản xuất các sản phẩm đối phó với đại dịch COVID-19 và các sản phẩm y tế, nhập khẩu các sản phẩm y tế.
Đồng thời giảm bớt gánh nặng quy định thông qua việc miễn giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu FDA nếu sản phẩm đã có chứng nhận FDA của một quốc gia khác; gỡ bỏ các yêu cầu giấy phép xuất, nhập khẩu không cần thiết để duy trì khả năng tiếp cận thị trường nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn và an ninh; gia tăng xử lý, giải quyết hồ sơ trực tuyến; hạ thấp chi phí tuân thủ (miễn, giảm phí; giãn thuế; miễn tiền thuê cho các tổ chức bị ảnh hưởng).
Tại Hà Lan, bà Suzanne Van Melis, Cố vấn Pháp lý Chiến lược, Bộ Tư pháp và An ninh Hà Lan cho biết, nước này đã đưa ra cơ chế ban hành những quy định tạm thời để chủ động ứng phó với những diễn biến của dịch Covid-19 như các quy định liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, các giải pháp tăng cường xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho người dân...
Những quy định tạm thời này thường được gọi là quy định “hoàng hôn” nghĩa là sau một thời gian nhất định sẽ hết hiệu lực, tuy nhiên vẫn có khả năng kéo dài nếu sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, Hà Lan có những cách thức để có thể bỏ qua một số bước hoặc thực hiện thủ tục một cách gấp rút như: Có thể bỏ qua hoặc rút ngắn thời gian tham vấn qua mạng Internet; sử dụng cơ chế đặc biệt để triển khai các chỉ thị của EU; Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội đẩy nhanh tốc độ quy trình nhưng Quốc hội vẫn có toàn quyền quyết định…
Theo ông Jeffrey Schalagenhauf, Phó Tổng Thư ký OECD, ngay trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính và coi đó là một trong những giải pháp để thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động đó thường ở dưới hình thức đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, chủ yếu tập trung vào cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ thực tế rằng những quy định nặng nề có thể cản trở nỗ lực ứng phó của Chính phủ và nhiều Chính phủ đã phải gỡ bỏ quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ cung cấp các sản phẩm và giải pháp thiết yếu.
Phối hợp chặt chẽ để ứng phó với dịch COVID-19
Ông Jeffrey Schalagenhauf cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động lớn đến kinh tế-xã hội của tất cả các nước. Dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 6% năm 2020, đến năm 2021 ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ vượt xa so với ảnh hưởng của các dịch bệnh khác từ trước đến nay.
"Chúng tôi nghĩ rằng cần phối hợp chặt chẽ để ứng phó với dịch bệnh", ông Jeffrey Schalagenhauf nhấn mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì vậy các nước thành viên OECD sẽ cùng nhau phối hợp để giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Ông Jeffrey Schalagenhauf cũng đánh giá cao hợp tác của các quốc gia thành viên OECD và ASEAN trong việc đưa ra chính sách tốt hơn để giúp doanh nghiệp, người dân dân tiếp cận mặt hàng thiết yếu, giúp các doanh nghiệp chia sẻ để có kinh nghiệm tốt hơn để khôi phục trong đại dịch.
Hiện OECD đang có một loạt chương trình nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID-19 với xã hội, những kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ để ASEAN hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển trong các năm tiếp theo.
Đồng quan điểm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Gareth Ward đánh giá ASEAN là khu vực tăng trưởng nhanh trên thế giới, đã có những ứng phó kịp thời với COVID-19; đồng thời tin tưởng những ý kiến tại Hội nghị sẽ mang lại hiệu quả giúp tăng cường mạng lưới và chia sẻ giữa các quốc gia, phản ứng ngày càng nhanh nhạy hơn, giúp cho nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời vượt qua khủng hoảng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Việt Nam chuyển sang làn sóng cải cách thứ ba. Đó là: Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và cắt giảm, đơn giản hóa toàn diện quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thừa nhận lẫn nhau.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử; số hóa các giấy tờ nhà nước đã cấp cho người dân, doanh nghiệp; triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, không gắn với địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo những kết quả cải cách sớm đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, năm 2020, với việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế quốc tế. Việt Nam đã và đang tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương toàn cầu, liên khu vực và khu vực, tích cực tham gia quá trình định hình cấu trúc mới.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, với những nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số mà Việt Nam đang triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những kiến thức, bài học kinh nghiệm được các chuyên gia của OECD và ASEAN cung cấp, chia sẻ và trao đổi trong Hội nghị là hết sức quý báu và thiết thực.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phụ trách về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và các vụ, cục, đơn vị của VPCP nghiêm túc tiếp thu, học hỏi những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt mà các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ để áp dụng sáng tạo, hiệu quả trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành giao cho.
Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng OECD và ASEAN để những nỗ lực của Việt Nam phát huy hiệu quả đối với khu vực và quốc tế, góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
BBT (Nguồn: Chinhphu.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn