Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão bão số 4 và thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan đơn vị có liên quan:
1. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của Nhân dân.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 865/CĐ-TTg ngày 27/7/2022 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện, rà soát lại công tác ứng phó, triển khai ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế của bão trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022; của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tại Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022; của Thường trực Tỉnh ủy tại: Thông báo số 589-TB/TU ngày 26/9/2022 về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4 (Noru) trên địa bàn tỉnh, Công văn số 688-CV/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy về việc chủ động phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4; chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại: Công điện số 04/CĐ-CTUBND ngày 25/9/2022 về việc tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lớn trên địa bàn tỉnh, Công văn số 3215/UBND-NNTN ngày 27/9/2022, trong đó tập trung một số nhiệm vụ:
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đề nghị cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4, cần phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên thuyền bè, lồng bè, chòi canh thủy sản, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến.
Tiếp tục rà soát phương tiện, thuyền bè, không để thuyền bè hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu trên các sông, hồ chứa,...
Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... để hạn chế thiệt hại khi bão, lũ.
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào bờ để bảo đảm an toàn.
Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ.
Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên sông và những nơi bị chia cắt.
Nguông: Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn