Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Sáng 14/2, phát biểu tại lễ khởi công dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công trình đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho không chỉ tỉnh Thái Bình mà còn vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thủ tướng bày tỏ vui mừng về thăm tỉnh Thái Bình, dự sự kiện quan trọng này khi Thái Bình đang nổi bật lên là tỉnh kiểu mẫu về ý Đảng lòng dân trong nông nghiệp. Bởi, “nếu không như vậy thì làm sao người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng việc cấp đất với thời hạn 20 - 30 năm trở lên”, Thủ tướng bày tỏ. Và nhờ vậy, các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi và hiệu quả. “Chúng ta vui mừng và xúc động bởi lẽ chúng ta đã rất năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Thủ tướng nói. Môi trường đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình và một số địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, bằng chứng là đã thu hút các nhà đầu tư có tài sản nhiều tỷ USD về đây làm nông nghiệp. Rõ ràng Thái Bình phải cực kỳ năng động mới làm được những điều như vậy.
Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường giúp Thái Bình kết nối với tam giác phát triển là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, công trình còn giúp Thái Bình kết nối với dự án cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cửa ngõ giúp lưu thông hàng hóa ra nước ngoài. Từ Thái Bình có thể dễ dàng kết nối các tỉnh Nam Định và Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…
Dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình nằm trong tổ hợp nhiệt điện Thái Bình 1 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dự án có công nghệ hiện đại, đóng góp một phần điện năng không nhỏ cho nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn tin cậy, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Ông cũng đề nghị tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân địa phương về an toàn môi trường.
Cũng trong sáng ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự lễ khởi công dự án bệnh viện đa khoa quốc tế FLC với 1.000 giường bệnh. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 122.000 m2 với 9 công trình xây dựng chính.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình. Nêu rõ phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị Thái Bình phát huy kết quả đạt được, vượt các chỉ tiêu trên tinh thần bứt phá, nhất là khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã đến với Thái Bình. Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực, nguồn đầu tư, trong đó có việc bứt phá hoàn thành các dự án lớn mang tính động lực được Đảng bộ, chính quyền Thái Bình chuẩn bị kỹ thời gian qua như dự án đường bộ ven biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dự án bệnh viện đa khoa quốc tế… Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nhất là tiếp thu, phản hồi, xử lý, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm nay, tỉnh tuyên bố sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình chủ động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm, bảo đảm an toàn đê điều trong mọi tình huống. Tỉnh cần nghiên cứu áp dụng thí điểm việc không thải rác nhựa ra biển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thái Bình đã làm được trong năm qua đặc biệt là hệ thống cung cấp nước sạch tới toàn dân và thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,6 lần.
Để đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, với lợi thế 52km đường bờ biển và vùng ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Thái Bình cần xem xét đánh giá lại toàn bộ hệ sinh thái, tiềm năng phát triển kinh tế, cảng biển… có những đề án chiến lược, tầm nhìn dài hạn để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, bảo tồn, đặc biệt là phát triển các khu dự trữ sinh quyển đa dạng ở vùng đất nơi đây.
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý chất thải rắn. Với một tỉnh có chiều dài 52km đường bờ biển, Bộ trưởng đề nghị cần tập trung thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ đề xuất chống rác thải biển nói riêng và chất thải rắn nói chung. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thái Bình cần quan tâm và tăng cường nhân sự cho Sở Tài nguyên và Môi trường để các cán bộ ngành có đủ nhân lực, thời gian đảm nhiệm công việc khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Đề án Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn