Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu du lịch mà các tỉnh thành Miền Trung - Tây Nguyên đã và đang có được, đồng thời nhấn mạnh khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi, rất tiềm năng và là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch tại đây, trong đó nhấn mạnh tới môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải nhựa và chất thải rắn vô số làm mất đi tài nguyên,…
Hội nghị đã bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn của khu vực này. Lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực đã lắng nghe, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; đồng thời là diễn đàn thảo luận để có thể đi đến hợp tác, đầu tư trong tương lai.
Tiềm năng và lợi thế tài nguyên du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1, trong đó Cảng nước sâu Chân Mây, Thừa Thiên Huế đón được tàu biển lớn nhất thế giới cập cảng. Bên cạnh đó, đây còn là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay. |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, lễ ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc Khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trước đó, chiều 15/2, cũng tại TP. Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố với dân số trên 6,5 triệu người. Đây là cuộc giao ban đầu tiên của Hội đồng Vùng có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Hội đồng Vùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2018 đạt 7,7%. Vùng đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong vùng có 4 khu kinh tế đang phát triển, trải dài trên 609 km bờ biển là KKT Chân Mây - Lăng Cô, KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất và KKT Nhơn Hội, cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác lợi thế gần cảng; hệ thống kho bãi quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống cảng tổng hợp quốc tế và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia... |
Phát biểu tại cuộc giao ban,Thủ tướng nhấn mạnh: Miền Trung không chỉ có thế mạnh về du lịch mà càng cần phải có khu công nghiệp, đặc biệt là chế tạo, chế biến vì giá trị gia tăng cao. Mũi nhọn nữa với miền Trung là nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp phục vụ du lịch. Việc bảo vệ môi trường, trồng rừng, nhất là đầu nguồn, rất quan trọng ở khu vực này. “Tại sao sông Thu Bồn, sông Trà đục ngầu, mùa đông khô cạn trong khi sông Hương luôn có màu xanh. Các tỉnh miền Trung cần suy nghĩ vấn đề này”, Thủ tướng lấy ví dụ và lưu ý, nếu không đề cập vấn đề này thì sẽ vấp phải sai lầm lớn trong phát triển.
Tại giao ban, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của Hội đồng Vùng với tinh thần tạo điều kiện cho các tỉnh miền Trung phát triển.
Nguồn tin: Theo Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn