Qua hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới, phát triển nhiều dự án đầu tư với sự đa dạng về hình thức, quy mô và loại hình, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quá trình phát triển đó, ngay từ những giai đoạn đầu, Đảng và Nhà nước ta đã luôn chủ trương và khẳng định rõ quan điểm: “phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường tự nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”; “bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân”. Đó cũng chính là những quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay.
Xác định vai trò, sứ mệnh quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, Chính phủ đã quan tâm, quyết định thành lập Tổng cục Môi trường tại Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30/9/2008. Trong chặng đường 25 năm phát triển của lĩnh vực môi trường nói chung, 10 năm phát triển của Tổng cục Môi trường nói riêng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị tiền thân của Tổng cục, Tổng cục Môi trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó đã đạt những kết quả đáng ghi nhận từ việc hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, bảo đảm nguồn lực cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Phát huy sức mạnh của cá nhân và sự đoàn kết tập thể để xây dựng và phát triển Tổng cục Môi trường
Tới dự buổi Tọa đàm nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Môi trường vừa với vai trò là Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa là cán bộ, lãnh đạo của đơn vị tiền thân của Tổng cục cũng như Lãnh đạo đầu tiên của Tổng cục, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã rất xúc động khi gặp lại những thế hệ lãnh đạo cán bộ của Tổng cục Môi trường. Bộ trưởng chúc các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ các đơn vị tiền thân của Tổng cục Môi trường; lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Tổng cục Môi trường và toàn thể công chức, viên chức, người lao động đã và đang làm việc tại Tổng cục Môi trường lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ hoàn thiện và phát triển hơn nữa để đáp ứng được với nhu cầu phát triển của đất nước, xã hội và xứng đáng với những sự kỳ vọng của các thế hệ tiền bối.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngày nay, ngành tài nguyên môi trường đang trở thành trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ngành môi trường đã và đang phát triển cơ bản phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn, các chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng nguồn nhân lực đã được tăng lên cả về số lượng và chất lượng... “Có được những kết quả như vậy là nhờ nền móng quan trọng mà các lãnh đạo, cán bộ, thế hệ đàn anh đi trước để lại. Đó là tài sản vô giá mà thế hệ tiền nhiệm để lại với sự trách nhiệm, tâm huyết, đoàn kết, để xây dựng ngành môi trường có được những thành tựu như ngày hôm nay". – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng đề nghị các cán bộ công chức, viên chức, người lao động hãy học tập những thế hệ đàn anh đi trước để luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết để khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững về tư tưởng, ổn định về tổ chức, phát huy sức mạnh tập thể để phát triển; các đơn vị cần chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau phối hợp giải quyết công việc vì mục tiêu chung.
Đối với Tổng cục Môi trường hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh mỗi cán bộ phải có một vai trò quan trọng trong bộ máy tổ chức, lĩnh vực môi trường phải là hạt nhân quan trọng để đáp ứng được với tình hình thực tiễn, yêu cầu hiện nay của đất nước, xã hội.
Với xu hướng thế giới hiện nay đã thay đổi tư duy phát triển, tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương đã và đang được kiện toàn. Bộ trưởng mong muốn mỗi cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng cần phải cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tâm huyết, lòng yêu nghề, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo để đề xuất các ý tưởng tốt phát triển ngành tài nguyên và môi trường mạnh mẽ hơn nữa. Lãnh đạo phải thay đổi tư duy quản lý, đưa ra được những chiến lược, tầm nhìn dài hạn và đáp ứng được với yêu cầu hội nhập hiện nay.
Bộ trưởng cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp mỗi cán bộ được tiếp cận với kho tri thức khổng lồ; từ đó, phải biết thay đổi để học hỏi, để làm chủ được công nghệ, kiến thức và trở thành nhân tố nòng cốt, đi đầu trong công cuộc phát triển đất nước.
"Tôi tin tưởng rằng với truyền thống 10 năm xây dựng và phát triển của Tổng cục Môi trường, các đồng chí sẽ có bước phát triển mới, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức quản lý để không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác, phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế." - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tại buổi tọa đàm, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Môi trường như đồng chí Trương Mạnh Tiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục môi trường, nguyên Vụ trưởng Vụ môi trường; đồng chí Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Phó Cục trưởng Cục môi trường, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; đồng chí Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã chia sẻ về những kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo điều hành trong những năm công tác.
Các đồng chí chia sẻ, tuy khởi đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với sự đoàn kết và sáng tạo, Tổng cục Môi trường đã có những thành công và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Trong quá trình công tác, các đồng chí luôn tin tưởng giao việc cho các cán bộ để và nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; luôn tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ, nhân viên thể hiện được năng lực chuyên môn; huy động được sức mạnh tập thể và quan trọng là luôn nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo rất vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh của Tổng cục Môi trường sau 10 năm thành lập; đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng với tập thể lãnh đạo, cán bộ chuyên môn Tổng cục hiện nay và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường thì Tổng cục Môi trường sẽ đạt được những kết quả như mong muốn.
Xác định tầm nhìn, hướng đi đúng đắn cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chia sẻ: Bảo vệ môi trường có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Nhận thức rõ vấn đề đó, với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, Tổng cục Môi trường đang thực hiện những sứ mệnh quan trọng của mình nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm môi trường, gìn giữ các giá trị cốt lõi của thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện tốt sứ mệnh đó, chúng ta cần nhận thức đầy đủ những yêu cầu, thách thức, cũng như khó khăn đang đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường hiện nay và những năm tiếp theo như: Môi trường nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp với những biến đổi nhanh của thực tiễn, thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Năng lực tổ chức thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao. Tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương mặc dù đã được kiện toàn một bước, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, chưa đủ giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc đang ngày càng gia tăng; công tác xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường chưa được triển khai có hiệu quả; còn thiếu các cơ chế đột phá huy động nguồn lực đầu tư cho môi trường…
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh: “Để vượt qua thách thức, khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng Tổng cục Môi trường phát triển bền vững, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo ra những chuyển biến căn bản trong thời gian tới, cần thiết phải xác định được tầm nhìn, hướng đi đúng đắn cho công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển định hướng hoạt động của Tổng cục Môi trường.”
Cụ thể, cần tập trung tham mưu chỉ đạo việc kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương trong tình hình mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho độ ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, hình thành đồng bộ các cơ chế, công cụ, biện pháp, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ công tác quản lý môi trường.
Thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Triển khai có hiệu quả của các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý môi trường, đặc biệt là ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Có cơ chế phòng ngừa từ xa, kiểm soát, thắt chặt sự chuyển dịch các dòng chất thải, công nghệ lạc hậu, các ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các khu vực khác trên thế giới vào Việt Nam.
Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.
Tận dụng có hiệu quả các thành tựu về khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý môi trường; trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn