Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để từng bước góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế KTTT nói chung, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên (QLTN), bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam nói riêng phải được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đầy đủ, xuất phát từ thực tiễn vận hành của nền kinh tế và những hạn chế trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó BĐKH trong thời gian vừa qua, từ đó phát huy những mặt đã đạt được, tháo gỡ và tiến tới xử lý triệt để những rào cản về thể chế trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó BĐKH trong thời gian tới để phù hợp với thể chế KTTT định hướng XHCN.
Một số thành tựu quan trọng
Kể từ sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nhận thức và quan điểm của Đảng về KTTT và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN cũng được hoàn thiện và phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH các quan điểm, định hướng của Đảng cũng không ngừng được hoàn thiện, phát triển qua các Văn kiện ở từng giai đoạn như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục đích điều chỉnh các hoạt động của xã hội trong giai đoạn quá độ tiến tới một nền sản xuất công nghiệp và xa hơn nữa là kinh tế tri thức; và tiếp tục được phát triển trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được ban hành, đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với BĐKH, QLTN và BVMT ở nước ta. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực quan trọng cũng có những Nghị quyết riêng như đất đai, khoáng sản để định hướng cho công tác quản lý, điều hành phù hợp với bối cảnh đất nước ở từng giai đoạn. Thể chế hóa các Văn kiện của Đảng, cách thức QLTN và BVMT ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp hơn với thể chế KTTT. Hiến pháp, các Luật đã được Quốc hội ban hành và sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học, Luật BVMT, Luật Tài nguyên và Môi trường biển… quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành; thực tiễn triển khai đã mang lại những thành tựu nhất định, góp phần tăng cường QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với thể chế vận hành của nền KTTT.
Một số thành tựu quan trọng cụ thể như sau: (1) Tiếp cận thị trường trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH trở thành xu thế chủ đạo và ngày càng được hoàn thiện hơn; (2) Nhà nước đã phát huy được vai trò trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với yêu cầu của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam; (3) Hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường và BĐKH ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thể chế KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; (4) Vai trò của hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp bước đầu được phát huy và có những đóng góp nhất định; (5) Thị trường quyền sử dụng đất, thị trường các quyền thăm dò, khai thác tài nguyên và thị trường các hàng hóa và dịch vụ về tài nguyên, BVMT đã được vận hành và đạt được những thành tựu nhất định; (6) Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường và BĐKH từng bước được hoàn thiện bắt nhịp được với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Kỷ nguyên kinh tế số.
Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, thực tiễn công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đặt ra như: tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn đến lãng phí, suy thoái và cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; đa dạng sinh học bị suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân; ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản; trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, tham gia sâu vào các cam kết quốc tế về tài nguyên, môi trường, BĐKH; tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi cần phải có những hành động phù hợp.
Kết quả điều tra, đánh giá thực tiễn theo các đặc trưng cơ bản của thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập như: (1) Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH còn hạn chế; (2) Các yếu tố thị trường chưa được thiết lập đồng bộ, tính cạnh tranh trên thị trường còn yếu, thiếu minh bạch và chưa hiệu quả. Các quan hệ thị trường chưa được thiết lập đồng bộ, các loại thị trường về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và BVMT chưa phát triển hoặc hoạt động chưa thông suốt, chưa minh bạch và không hiệu quả... Thị trường quyền sử dụng đất, thị trường các quyền điều tra, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước còn hết sức sơ khai và kém phát triển. (3) Vai trò của Nhà nước trong phân bố, sử dụng nguồn lực tài nguyên, huy động nguồn lực cho BVMT và ứng phó với BĐKH, giải quyết các khiếm khuyết của thị trường còn hạn chế. Vai trò của Nhà nước trong tạo dựng, hỗ trợ phát triển, giám sát, điều tiết thị trường còn yếu, chưa rõ ràng. Đặc biệt, vai trò trong giải quyết những khiếm khuyết của thị trường trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường và BĐKH còn mờ nhạt. (4) Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp còn mờ nhạt, hoạt động còn mang tính hình thức, phong trào.
Những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, bất cập ở trên bao gồm cả những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Trong đó, có 7 nhóm nguyên nhân thuộc về thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH cần phải được nhìn nhận sau: (1) Nhận thức của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các ngành về QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền KTTT ở Việt Nam còn khá hạn chế, thiếu sự tập trung; (2) Hệ thống lý luận về QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, thiếu hụt; (3) Chưa thể chế hóa hoặc thể chế hóa chưa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế KTTT trong các lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH; (4) Chưa hoàn thiện về các công cụ có vai trò hỗ trợ Nhà nước trong thực hiện vai trò định hướng, phân bổ nguồn lực từ tài nguyên; huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị cho công tác BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền KTTT hiện đại và hội nhập; (5) Chưa có hệ thống công cụ kinh tế đồng bộ, thống nhất để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể thị trường trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng công bằng, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; tạo ra các áp lực tài chính và lợi ích kinh tế để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong BVMT và ứng phó với BĐKH; (6) Hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế kiểm tra, giám sát về TNMT và BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu của nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; (7) Nhận thức, thể chế hóa và các hành động thực tiễn chưa đúng, chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong việc phản biện, hỗ trợ và giám sát thực thi chính sách, pháp luật; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, người dân trong lĩnh vực TNMT và BĐKH.
Từ thực tế trên, để giải quyết các vấn đề đang đặt ra và đáp ứng yêu cầu của thể chế KTTT hiện đại và hội nhập trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH việc rà soát, đánh giá lại những nội dung liên quan đến thể chế nhằm đề xuất giải pháp xóa bỏ các rào cản góp phần đưa tài nguyên thiên nhiên thành động lực cho sự phát triển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đáp ứng các cam kết quốc tế về BVMT, ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải được thực hiện.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn