Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01/3/2006 (Đề án 47). Qua 10 năm thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển nước ta; là cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển; đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 47
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của Đề án 47, trong tháng 12/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án. Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Chính phủ; đại diện các cơ quan, đơn vị chủ trì, tham gia thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án 47; đại diện một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực biển, hải đảo; các chuyên gia, nhà khoa học. Để chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết, Tổng cục đang khẩn trương hoàn thiện các báo cáo tham luận trên cơ sở các kết quả thực hiện của các dự án. Ngoài ra, Tổng cục đã đề nghị các đơn vị chủ trì thực hiện lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của Đề án 47 để trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị.
Xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Đối với nhiệm vụ xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ông Vũ Sĩ Tuấn cho biết, trên cơ sở kế thừa các kết quả tổng kết Đề án 47, Tổng kết Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và các quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Tổng cục đã chủ động phối hợp với các chuyên gia để xây dựng Chương trình trọng điểm. Sau khi hoàn thiện dự thảo, Tổng cục đã gửi xin ý kiến góp ý các chuyên gia về liên quan tới các lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển.
Theo đó, Dự thảo Chương trình trọng điểm gồm 04 phần: Căn cứ xây dựng chương trình trọng điểm; định hướng điều tra cơ bản của thế giới, một số thách thức về môi trường biển và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ Chương trình trọng điểm; tổ chức, các giải pháp thực hiện Chương trình trọng điểm.
Về mục tiêu, Chương trình chú trọng tới công tác điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề; ưu tiên hơn đối với công tác điều tra cơ bản về môi trường biển nhằm thành lập được bản bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển ở tỷ lệ 1:500.000 khu vực biển ven bờ đến độ sâu 100m nước; thiết lập được hệ thống dự báo, cảnh báo, môi trường, phòng chống thiên tai đồng bộ, hiệu quả bảo đảm an toàn cho các hoạt động ven biển và trên biển; tập trung điều tra các vấn đề môi trường mang tính toàn cầu và khu vực như rác thải nhựa, vi nhựa, phóng xạ… Đặc biệt là mở rộng hợp tác quốc tế trong điều tra cơ bản, xây dựng các cơ chế chia sẻ khai thác sử dụng có hiệu quả phương tiện, trang thiết bị, số liệu, dữ liệu về tài nguyên biển giữa các Bộ, ngành và địa phương liên quan; kết hợp giữa công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển…
Để dự thảo Chương trình trọng điểm được hoàn thiện hơn, ông Vũ Sĩ Tuấn cũng cho biết, ngày 15/12/2018 sắp tới, Tổng cục sẽ tổ chức Hội thảo với các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu để góp ý, hoàn thiện dự thảo Chương trình trọng điểm, đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia để thống nhất các tiêu chí lựa chọn các nhiệm vụ, dự án đưa vào Chương trình trọng điểm.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 47 làm cơ sở định hướng cho xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã cùng nhau rà soát các nội dung chuẩn bị; trao đổi và thống nhất các nội dung liên quan tới công tác tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của Đề án 47.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hội nghị Tổng kết Đề án 47. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những đóng góp, hạn chế, nguyên nhân hạn chế của Đề án 47 trong hơn 10 năm qua làm cơ sở định hướng cho xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian tới. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng kế hoạch; rà soát, hoàn thiện các nội dung, công tác hậu cần để tổ chức Hội nghị bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả cao nhất.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục cần thành lập các Hội đồng để tổ chức rà soát, lựa chọn các nhiệm vụ, dự án phù hợp, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả khi triển khai để bổ sung vào dự thảo Chương trình. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn