Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong giai đoạn mới, phong trào thi đua yêu nước của ngành TN&MT cần được tiếp tục phát huy, với Kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể của từng lĩnh vực, góp phần cùng đất nước giải quyết những khó khăn cho tăng trưởng, khai thác sử dụng một cách hợp lý và bền vững tài nguyên, tạo sự thay đổi lớn trong tư duy của toàn xã hội về bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Phong trào thi đua được tiến hành toàn diện, trọng tâm, trọng điểm
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, phong trào thi đua yêu nước của ngành TN&MT đã được tiến hành bài bản, từ đặt ra các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đến các hành động thực hiện thiết thực, trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của Bộ, từ Trung ương tới địa phương. Với ý thức thực hiện công việc một cách kỷ luật, kỷ cương, sáng tạo và đổi mới, toàn ngành đã tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ; phấn đấu hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về pháp luật cho đến việc triển khai nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường, điều kiện đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách các thủ tục hành chính.
Để đạt được kết quả chung trong phong trào thi đua yêu nước, toàn ngành, TN&MT đã phát động những phong trào với những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực đều có điều kiện và mục tiêu cụ thể khác nhau. Ví dụ, đối với ngành điều tra cơ bản, tập trung vào những đề xuất sáng kiến, sáng tạo, thông qua việc nghiên cứu đưa các tiến bộ khoa học vào phục vụ công tác điều tra cơ bản, đặc biệt trong các lĩnh vực về địa chất khoáng sản, dự báo khí tượng thủy văn phải ngày càng tiên tiến, hiện đại, tiếp cận được khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Với những chương trình, mục tiêu cụ thể, việc triển khai phong trào thi đua trong Bộ, trong ngành đã được tiến hành một cách toàn diện, vừa có chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu trọng tâm, thiết thực và cụ thể. Bởi thế, đã có nhiều điển hình tiên tiến khi thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, trong nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế chính sách, trong tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, trong nghiên cứu, giáo dục, đào tạo…
Thi đua yêu nước để thực hiện “mục tiêu kép”
Xác định định hướng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn tới (2021 - 2025), người đứng đầu ngành TN&MT chỉ rõ, hiện nay, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh những nhiệm vụ quản lý của ngành vừa là những vấn đề mang tính chất toàn cầu, khu vực những cũng hết sức thách thức đối với Việt Nam như ô nhiễm môi trường, khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh tài nguyên nước, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên như đất đai, tài nguyên nước…
“Từ đó, nhiệm vụ đặt ra là chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép là đưa các nguồn lực tài nguyên được khai thác, sử dụng một cách hợp lý và bền vững, đồng thời, phải tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy của toàn xã hội về bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Dựa trên nhiệm vụ đó, Bộ trưởng cho rằng, phong trào thi đua yêu nước sẽ được tiếp tục phát huy trong từng lĩnh vực. Ở từng lĩnh vực cần phải xây dựng các chương trình, hành động cụ thể, xác định các mục tiêu có tính đặc thù và quyết tâm thực hiện.
Toàn ngành hướng đến việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, hiện đại; tiếp tục cải tiến lề lối làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử để làm tốt hơn việc vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao chất lượng hiệu quả để phục vụ cho người dân.
Ngành cũng xác định tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế, vì vậy, bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, sẽ rà soát lại toàn bộ các Bộ luật hiện nay để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao công tác nghiên cứu, đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trong thời gian sắp tới...
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn