Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Thi đua Khen thưởng và Tuyên truyền; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Báo Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Bộ.
Theo báo cáo của Trung tâm Truyền thông TN&MT, cùng với Lễ khởi động, sẽ có Hội nghị "Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa cho Việt Nam (NPAP)" đề cập đến chính sách của Việt Nam về giảm thiểu rác thải nhựa và phương hướng hợp tác trong NPAP; báo cáo đánh giá sơ bộ về việc phát sinh rác thải nhựa tại Việt Nam và đề xuất lộ trình hành động giảm nhựa, các giải pháp ưu tiên; Dự thảo Kế hoạch hoạt động của Chương trình NPAP Việt Nam năm 2021 và năm 2022; giới thiệu sáng kiến được triển khai và nhân rộng thông qua NPAP.
Cùng với đó, Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ có ý nghĩa lớn trong việc khuyến khích các đối tác khác cùng quan tâm, tăng cường hợp tác và hỗ trợ Bộ TN&MT trong các hoạt động đối phó với ô nhiễm chất thải nhựa và chất thải nhựa biển. WWF đóng vai trò tiên phong trong hợp tác, hỗ trợ (tài trợ) cho Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng trong các nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa.
Thông qua các ý kiến của các đơn vị chuyên môn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết; chuẩn bị kỹ nội dung giới thiệu Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; phối hợp với Ban thư ký GPAP/NPAP triển khai công tác chuẩn bị Lễ Khởi động; mời các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tham dự họp báo và đưa tin về sự kiện,...
Thống nhất với các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các nội dung của Chương trình NPAP Việt Nam phải đảm bảo nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và bao bì nhựa trên biển, đại dương và đối với hệ sinh thái biển, với môi trường và sức khỏe con người, nhằm thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; thúc đẩy và phổ biến các thực hành tốt và sáng kiến trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thiết lập một nền tảng hợp tác để chia sẻ thông tin, kiến thức và hỗ trợ quản lý chất thải nhựa.
“Đẩy mạnh quảng bá các sáng kiến của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam và những đối tác liên quan với cộng đồng quốc tế thông qua các kênh truyền thông và tổ chức các sự kiện” - Bộ trưởng nhấn mạnh thêm về vai trò của các kênh thông tin, truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy các sáng kiến về quản lý rác thải nhựa.
Ngoài ra, cần tổ chức các cuộc họp và sự kiện hàng năm về kết quả nghiên cứu của Chương trình, các khuyến nghị chính sách và hỗ trợ thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án quốc gia.
Thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, cụ thể bằng Chương trình hợp tác đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam). Chương trình sẽ tập hợp, kết nối các chủ thể công, tư và cộng đồng nhằm tổng hợp, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý rác thải nhựa. Mục tiêu của Chương trình NPAP là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. |
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn