Tham dự có đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ TN&MT.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, từ khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 9/4/2020, Bộ TN&MT đã phê duyệt 593 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, có 112 công trình khai thác nước dưới đất và 481 công trình khai thác nước mặt. Các tỉnh đã phê duyệt trên 3.300 Quyết định với tổng số tiền hơn 637 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường hiệu quả của chính sách cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tăng thu cho ngân sách và bảo vệ khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ đưa việc sửa đổi này vào Chương trình công tác năm 2020. Sau khi gửi văn bản đề nghị góp ý nội dung sửa đổi, đến nay, Bộ đã nhận được 54 văn bản của địa phương và 4 Bộ. Trên cơ sở này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức nhiều cuộc họp báo cáo về hướng sửa đổi Nghị định.
Dự thảo Nghị định đề nghị sửa đổi, bổ sung tổng cộng 7 Điều, 3 Phụ lục và đề nghị bãi bỏ 1 phụ lục của Nghị định 82. Theo ông Vĩnh, những sửa đổi bổ sung này không thay đổi về đối tượng thu, mức thu mà chỉ làm rõ và điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho các tổ chức cá nhân trong việc kê khai hồ sơ nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Cụ thể, trong Chương I, khoản 1, khoản 2 Điều 2 bổ sung mục đích việc khai thác nước sử dụng cho mục đích gia nhiệt (tương tự khai thác nước để làm mát máy). Trong Điều 4, khoản 2 về căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sửa đổi bổ sung theo hướng sát với thực tế địa phương và khoản 4 theo hướng thay đổi tầng chứa nước thành chiều sâu giếng.
Trong Chương II, sửa đổi bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 7 theo hướng bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể căn cứ xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích của hệ thống cấp nước tập trung, làm cơ sở tính sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác nước; bỏ quy định về thời điểm dự kiến vận hành; bổ sung quy định về ghi rõ thời gian có hiệu lực của giấy phép nhằm xác định thời điểm đầu và thời điểm cuối phục vụ tính tiền cấp quyền khai thác.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 theo hướng quy định rõ mục đích khai thác, sử dụng nước áp dụng mức nào trong khung tính giá thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do Bộ Tài chính ban hành. Đồng thời, bổ sung một khoản mới quy định về thời điểm áp dụng các mức giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Sửa đổi, bổ sung Điều 11 theo hướng quy định thủ tục phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước độc lập với thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với trường hợp công trình chưa vận hành khai thác.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12 theo hướng điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải căn cứ vào giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại thời điểm phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; trừ trường hợp công trình bị hư hỏng hoặc phải ngừng khai thác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì căn cứ vào giá tính tiền lần đầu. Đồng thời, rà soát bỏ những trường hợp điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bị trùng lặp.
Sửa đổi, bổ sung Điều 14 theo hướng bổ sung quy định nộp tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước 1 lần đối với trường hợp số tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhỏ hoặc tổ chức, cá nhân tự lựa chọn tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định. Bổ sung một khoản quy định về việc nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các tỉnh có hồ chứa, có công trình khai thác tài nguyên nước.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ và cơ quan trong ban soạn thảo, tổ biên tập đã góp ý nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định. Một số vấn đề tiếp tục được bàn thảo như: có nên quy định một số đối tượng không phải nộp tiền; trách nhiệm của đơn vị phân phối và kinh doanh nước sạch (không có công trình khai thác); quy định loại hình sản xuất, kinh doanh nào thì áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên; tách thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa khai thác, sử dụng tài nguyên nước thành thủ tục hành chính độc lập.
Ông Châu Trần Vĩnh cho biết, đây là Nghị định có ý nghĩa quan trọng về quản lý tài nguyên nước, giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân theo hướng sử dụng, khai thác tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả hơn. Bộ TN&MT sẽ tiếp thu các ý kiến của Ban soạn thảo, tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi hồ sơ lấy ý kiến của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, VCCI, các hiệp hội có liên quan và tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn