Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017 – 3/2022, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia. Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phầm mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…
Dự án cũng sẽ hỗ trợ tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai và đảm bảo thực hiện Luật Đất đai 2013 ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất. Hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các văn phòng đăng ký từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu – cuối của các văn phòng đăng ký và đào tạo cán bộ.
Với việc triển khai dự án này, đối tượng được thụ hưởng trực tiếp là các cơ quan Chính phủ cấp Trung ương như Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý Đất đai, các Bộ, ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…và các cơ quan ở địa phương. Bên cạnh đó, người sử dụng đất, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả dự án thông qua việc họ được cung cấp dịch vụ đất đai tốt hơn và được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn.
Với lợi ích đó, dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, 63 tỉnh/thành phố sẽ triển khai hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; 33 tỉnh/thành phố sẽ triển khai đồng bộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trang bị hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu cấp tỉnh, hiện đại hóa tổ chức cung cấp dịch vụ công về đất đai…
Theo báo cáo của Tổng cục quản lý đất đai, cho đến nay, đã có 30/33 tỉnh ký hợp đồng vay lại, 1 tỉnh chưa hoàn thiện hồ sơ (TP.Cần Thơ) và 2 tỉnh xin ra khỏi dự án (Tuyên Quang, Quảng Bình). Bộ cũng đã nhận được văn bản cam kết tiến độ giải ngân của 29/33 tỉnh. Đến nay, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cũng đã được điều chỉnh và cơ bản hoàn thành.
Đánh giá rất cao sự nỗ lực của Ban quản lý Dự án cấp Trung ương, bà Stefanie Stallmeister cho biết, WB quan tâm sâu sắc tới việc triển khai dự án này đảm bảo hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, một số nội dung của dự án được thực hiện còn chậm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số quy định của Việt Nam về đầu tư. “Cần phải đưa các hoạt động của dự án trở lại tiến độ bình thường là điều cần thiết”, bà Stefanie Stallmeister nhấn mạnh.
Theo đề xuất từ WB, Bộ TN&MT cần xem xét đến việc gia hạn và tái cấu trúc dự án, khi dự án chỉ còn 18 tháng nữa sẽ kết thúc. Cùng với đó, cần quan tâm phân bổ lại nguồn vốn vay khi 2 tỉnh Tuyên Quang và Quảng Bình đã rút khỏi dự án. Bộ cũng cần làm rõ với Bộ Tài chính đổi nguồn từ vốn IDA sang vốn đối ứng để triển khai các hoạt động của dự án.
Cũng theo kiến nghị của WB, giữa hai đơn vị cần thống nhất để phê duyệt kế hoạch cụ thể năm 2020. Công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viettel cũng cần đẩy mạnh mở rộng phần mềm được ứng dụng tại các địa phương. Các tỉnh cũng cần chủ động để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đối ứng, mua sắm đấu thầu để các hoạt động trong gói thầu được triển khai.
Ghi nhận các đề xuất của WB, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng khi góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, là 1 trong 7 cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia. Bởi vậy, ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT với chức năng là cơ quan chủ quan, sẽ tập trung tối đa nguồn lực để đưa dự án được hoạt động trở lại bình thường, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19.
Thứ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ TN&MT sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn, tái cấu trúc dự án. Việc gia hạn hay tái cấu trúc này liên quan đến cơ chế chính sách chung của Việt Nam, phụ thuộc vào nhiều điều kiện như tiến độ thực hiện dự án, thay đổi chủ trương đầu tư…Đây là một chuỗi vấn đề cần xem xét cụ thể.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Thứ trưởng chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc phải nhanh chóng xác định phần mềm để triển khai và nhân rộng ra các tỉnh. Ngày 20/5, Bộ cũng đã phế duyệt Kế hoạch năm 2020 của dự án, do vậy, Ban Quản lý dự án ở Trung ương cần tập trung thực hiện theo kế hoạch này.
Cho rằng dự án sẽ khó thành công nếu việc thực hiện ở các địa phương còn chậm trễ, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án đôn đốc các địa phương tập trung triển khai, đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho dự án.
“Đây là dự án trọng điểm, là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Do vậy, Bộ TN&MT cam kết phối hợp tích cực với WB để dự án tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý đất đai ở Việt Nam”, Thứ trưởng nói./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn