Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của hơn 40 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu (BĐKH) từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Ibaraki và Đại học Toyo Eiwa (Nhật Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Philippines, Đại học Phuket Rajabhat của Thái Lan, Đại học Nông nghiệp Bogor của Indonesia và các tổ chức và nhà tài trợ khác. Đặc biệt, hội thảo còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia.
Tại hội thảo, rất nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh BĐKH và thiên tai gia tăng, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sáng tạo để quản lý tài nguyên thiên nhiên là hết sức cần thiết. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xin lược ghi các ý kiến đó
PGS.TS Phạm Quý Nhân, (Phó Hiệu trưởng Đại học TN&MT Hà Nội): "Giáo dục về BĐKH cần được tích hợp vào chương trình giảng dạy"
Ngày nay, quản lý tài nguyên và nhân lực là chiến lược chính của Chính phủ Việt Nam để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH và thiên tai gia tăng.
Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho thấy "quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và đang bị khai thác không hiệu quả”. Kết luận này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sáng tạo để quản lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH và gia tăng rủi ro thiên tai.
Mặt khác, tăng cường nguồn nhân lực được công nhận mạnh mẽ thông qua các chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai. Trong đó, giáo dục về BĐKH được nhấn mạnh là quan trọng nhất và cần được tích hợp vào chương trình giảng dạy quốc gia từ mẫu giáo, trung học đến giáo dục đại học.
Theo đó, mục đích của hội thảo là trao đổi và chia sẻ kết quả khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn học thuật với các nhà khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, thiên tai và biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng nhằm mục đích công bố các nghiên cứu mới nhất và chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Hội thảo là một diễn đàn quốc tế tuyệt vời cho các nhà khoa học, kỹ sư, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách để thảo luận và cung cấp các ý tưởng sáng tạo nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên và rủi ro thiên tai trong bối cảnh BĐKH theo hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
GS.ITO Tetsuji – (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng phó BĐKH toàn cầu (ICAS), Đại học Ibaraki (Nhật Bản): "Giải quyết BĐKH cần cả cách tiếp cận từ khoa học tự nhiên và khoa học nhân loại"Mối quan tâm chung của chúng ta là tập trung vào những tác động BĐKH sẽ gây ra và cách chúng ta giải quyết các tác động đó. Nói cách khác, chúng ta cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với BĐKH.
Thế giới dường như đang chuyển động theo hướng bị chia rẽ và ưu tiên cho lợi ích riêng của mình, thay vì hợp tác và làm việc cùng nhau. Nếu xu hướng đó ngày càng gia tăng, chúng ta sẽ tự rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” - “bi kịch chung” của xã hội. Kết quả là tất cả chúng ta đều chịu tác động tiêu cực và không ai được hưởng lợi.
Như các bạn đã biết, cô gái 17 tuổi người Thụy Điển, Greta Thunberg đã gửi những thông điệp mạnh mẽ về cuộc khủng hoảng do BĐKH tại Liên Hợp Quốc hay Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (COP25) tại Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 12/2019. Trước hành động của cô gái trẻ này, những người trẻ tuổi ở nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu lên tiếng với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Trong khi đó, nhiều người lớn chỉ trích cô ấy, nhưng tôi cảm thấy đó là những thông điệp quan trọng từ các thế hệ tương lai.
Các vấn đề do BĐKH gây ra không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn tác động đến cả môi trường xã hội và thậm chí văn hóa hay phong tục của chúng ta. Giải quyết các vấn đề này không chỉ đòi hỏi cách tiếp cận từ khoa học tự nhiên mà còn cần cách tiếp cận từ khoa học nhân loại. Chúng ta không chỉ cần tài nguyên thiên nhiên mà cần cả nguồn lực con người.
Chúng ta là công dân của mỗi quốc gia, đồng thời cũng là công dân của hành tinh này. Chúng ta hãy làm việc cùng nhau và phát huy trí tuệ, đưa ra những hành động có trách nhiệm cho tương lai chung của chúng ta. ICAS cũng hy vọng sẽ làm được như vậy cho thế hệ tương lai để "cùng nhau tạo ra môi trường bền vững".
GS.Tae Yoon Yark, (Đại học Yonsei (Hàn Quốc): "Tăng cường hợp tác qua đào tạo để giải quyết BĐKH"
Hội thảo hôm nay sẽ có 15 bài trình bày và 20 poster với chủ đề “Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người và quản lý rủi ro trong bối cảnh BĐKH”.
Dự án 5 năm về tăng cường năng lực cho bộ môn BĐKH của trường Đại học TN&MT Hà Nội sẽ được giới thiệu trong hội thảo. Dự án này được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Trong suốt 5 năm này, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo và các khóa học về BĐKH, nâng cao năng lực cho các giảng viên và hỗ trợ xây dựng và trang bị các thiết bị học tập, cơ sở vật chất, cũng như tổ chức các khóa bồi dưỡng tại Seoul, Hàn Quốc.
Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong tương lai và bắt đầu hợp tác với các thành viên khác ở châu Á tham gia hội thảo hôm nay. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề về BĐKH ở châu Á và trên toàn thế giới.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn