Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 nhận các tác phẩm có nội dung liên quan đến toàn bộ 17 Mục tiêu Phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và VSDGs của Việt Nam (Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ngoài ra, Ban tổ chức (BTC) ưu tiên một số chủ đề: Tiếp cận thông tin, bảo vệ quyền trẻ em, ô nhiễm không khí, an toàn vệ sinh thực phẩm, vai trò lãnh đạo nữ.
Theo BTC, “Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2019” đã thu hút được 560 bài báo của các nhà báo từ 106 cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương trên 40 tỉnh thành trong cả nước. Tác giả gửi nhiều bài dự giải nhất với 28 bài được đăng ở nhiều báo. Tập thể gửi nhiều bài dự thi nhất là Báo Thừa Thiên - Huế với 45 bài.
BTC “Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2019" đã trao 16 giải thưởng, bao gồm 5 giải A, 6 giải B và 5 giải C, được trải dài từ Bắc, Trung, Nam (Quảng Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang), trong đó có 5 giải thuộc báo địa phương.
Tổng số cá nhân và nhóm tác giả đạt giải là 44 người, trong đó nữ tác giả chiếm một nửa.
Cần quảng bá rộng Giải Báo chí với Phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Nhật Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển cho biết: “Giải báo chí với Phát triển bền vững" là sáng kiến của RED nhằm truyền thông hỗ trợ báo chí tham gia, thúc đẩy tiến trình mục tiêu phát triển bền vững. Giải thưởng này không đơn thuần chỉ đánh giá nội dung sản phẩm báo chí mà còn đánh giá sự lan tỏa, thúc đẩy các bên trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Giải Báo chí với Phát triển bền vững được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 và đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng trên cả nước với hơn 500 tác phẩm của gần 200 tác giả gửi tham dự.
Nhận xét về Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2019, ông Nguyễn Chí Dũng – Trưởng BGK của Giải cho biết: “Các tác phẩm dự thi Giải Báo chí với Phát triển bền vững năm nay có chất lượng cao. Chúng tôi đã rất khó khăn để chọn ra tác phẩm đạt Giải. Ban Giám khảo đã làm việc rất công tâm và đề xuất với BTC được tổng số 16 Giải ở các chủ đề khác nhau. Các tác phẩm này đều xuất sắc, xứng đáng với giải thưởng được trao”.
Ông Phan Hữu Minh - Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Giải báo chí với Phát triển bền vững là đóng góp rất cụ thể của RED vào sự phát triển của báo chí Việt Nam. Với tư cách là người làm báo, tôi thấy cần phải quảng bá rộng Giải này và đề nghị RED in những tác phẩm dự thi thành sách để phục vụ cho báo chí Việt Nam”.
RED đã thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy báo chí tham gia Giải Báo chí với Phát triển bền vững: Tiếp cận hơn 530.000 nhà báo và người quan tâm tới phát triển bền vững trên Facebook, gửi 5.000 email marketing tới các nhà báo, gửi hơn 300 văn bản tới các cơ quan báo chí trên cả nước.
RED cũng đã phối hợp với các đối tác tổ chức thực hiện các hoạt động bên lề như hội thảo, tọa đàm, điền dã… nhằm cung cấp thông tin sâu liên quan đến các chủ đề trong khuôn khổ 17 Mục tiêu PTBV cho gần 200 nhà báo.
Đồng thời, RED đã phối hợp với hơn 10 toà soạn báo, kênh truyền hình và các tổ chức đồng hành để lan toả, thường xuyên cập nhật thông tin về Giải trên các báo và mạng xã hội.
Thông tin truyền thông – giải pháp hữu hiệu nâng cao nhận thức, giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Cũng với mục tiêu thúc đẩy báo chí phản ánh những vấn đề cấp thiết về môi trường và thiên tai, vừa qua Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát động Giải báo chí toàn quốc lần thứ nhất về Phòng chống thiên tai. Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) là cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai Giải, trong đó RED là một tổ chức đồng hành.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Khi nền kinh tế càng phát triển thì báo chí cũng không ngừng đổi mới, năng động và sáng tạo hơn trong tác nghiệp. Mỗi tác phẩm báo chí được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng và hành vi của cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ái, những năm qua, thiên tai ở nước ta diễn ra phức tạp và khó lường đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Công tác phòng chống thiên tai đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, trong đó có sự tham gia, phối hợp tích cực của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai được phát động vào ngày 12/10/2019, với 5 loại hình được xét trao Giải: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Ảnh báo chí.
“Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho thấy vai trò quan trọng của công tác thông tin truyền thông, một trong những giải pháp hữu hiệu nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai” - bà Nguyễn Thị Thúy Ái khẳng định.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã phát động “Giải Báo chí với phát triển hơn vững 2020" dành cho các sản phẩm báo chí viết về việc thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Các tác phẩm báo chí được xuất bản từ ngày 16/12/2017 đến ngày 30/11/2020 có thể tham dự Giải này. Địa chỉ nhận bài dự thi: jsd@red.org.vn. |
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn