Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

(TN&MT) - Đó là đề nghị của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2020, ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.
Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (TƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 12/1, tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Phùng Khánh Tài; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng hơn 2.300 đại biểu là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức thành viên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.

 
13 1 2021 14
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị
Duy trì và nhân rộng hơn 40.600 mô hình điểm bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nêu rõ, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra, chủ động trong việc phối hợp triển khai và đạt được nhiều kết quả rõ nét, cụ thể, thiết thực.
Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, tác động của môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất, qua đó đã hình thành được ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, sống thân thiện với môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, từng bước khắc phục thói quen tiêu dùng xâm hại đến tài nguyên và môi trường.
Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn trong giám sát việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong quá trình triển khai hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn khu dân cư. Nhân dân ở một số nơi đã mạnh dạn đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về tài nguyên và môi trường của các cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường. Từ các mô hình điểm do Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam hỗ trợ đến nay theo báo cáo của 50/50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm.” Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng thông tin, trong 3 năm 2018 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại 10 tỉnh, thành phố. Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo và hướng dẫn Mặt trận các cấp tổ chức rà soát các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở xã, phường, thị trấn báo cáo lên cấp trên để tổng hợp xem xét giám sát.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã tổ chức 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh tới các cơ quan Đảng, chính quyền và báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân.
Giúp ngành TN&MT làm tốt vai trò hoạch định chính sách
Đánh giá về kết quả Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chương trình đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ hoạt động phối hợp đã phát huy vai trò giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đã giúp ngành Tài nguyên và Môi trường kịp thời nắm bắt được các phản hồi xã hội, dư luận xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để có hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội.
Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã giúp ngành tài nguyên và môi trường có thêm nhiều kênh thông tin phản biện để làm tốt hơn vai trò hoạch định chính sách của mình”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống các cấp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, hai bên đã phối hợp đẩy mạnh triển khai được nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phối hợp phát động được nhiều phong trào kêu gọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng thành công nhiều mô hình điểm về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có hiệu quả cao, khả năng nhân rộng tốt như: Mô hình “Nhân dân tự quản bảo vệ môi trường” ở ấp Ô Ka, tỉnh Trà Vinh; mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Các mô hình đã chú trọng gắn bảo vệ môi trường với xóa đói, giảm nghèo.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện nay đang là thách thức lớn của nước ta cũng như cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đã nảy sinh nhiều sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, khiến người dân và xã hội lo lắng, bất an. Biến đổi khí hậu cũng đang có những diễn biến phức tạp, làm gia tăng các biểu hiện thời tiết cực đoan, gây ra nhiều tác động xấu. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý và sử dụng một cách chặt chẽ và hiệu quả.
“Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, sẽ mở rộng phạm vi phối hợp trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được các tầng lớp ủng hộ
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức như: Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; tổ chức tôn giáo; khu dân cư đến từ Hưng Yên, Long An, Hải Phòng, Tuyên Quang, Đà Nẵng đã có tham luận về các nội dung phối hợp giữa hai đơn vị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các ý kiến tham luận cho rằng, các hoạt động như tổng vệ sinh đường làng, ngõ phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; phát động Tết Trồng cây dịp đầu năm mới luôn được mọi người dân ủng hộ và thực hiện.
heo ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An, để đảm bảo các mục tiêu đề ra cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở đã ký kết với các tổ chức đoàn thể trong tỉnh như Ủy ban Mặt trận, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh để thực hiện nhiều cuộc tập huấn đào tạo, cuộc thi hiểu biết về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động trồng cây, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong các cơ quan, phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường tại nông thôn… Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả thành công, có những huyện tại Long An đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong thời tới, với Luật Bảo vệ môi trường mới được Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết ngành TN&MT Long An mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của tổ chức các cấp, các tổ chức tôn giáo để vừa tuyên truyên truyền pháp luật về môi trường vừa kêu gọi cộng đồng, xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo linh mục Vũ Văn Thiên - Giám quản Tông tòa Giáo phận Hải Phòng, Giáo phận Hải Phòng luôn phối hợp với các tổ chức tôn giáo để truyền thông, vận động bà con nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với phong tục và điều kiện tự nhiên sở tại. Tổ chức các hoạt động thực tiễn như trồng cây, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các năng lượng sạch, phát động nhiều phong trào phục hồi sau thiên tai thể hiện đạo lý tương thân tương ái của người Việt Nam.
Tại Tuyên Quang, đại diện khu dân cư ở thành phố Tuyên Quang cho biết, phong trào bảo vệ môi trường, sạch từ nhà ra ngõ luôn được các khu dân cư của thành phố thực hiện tốt bởi có sự vào cuộc của các cấp nơi đây, tuy vậy, theo đại diện của Tuyên Quang, phong trào phân loại rác tại nguồn ở đây được bà con thực hiện tốt nhưng quá trình vận chuyển rác đến nơi xử lý vẫn chưa có các phương tiện chuyên dụng để vận chuyển. Do đó, kiến nghị có cơ chế hỗ trợ các phương tiện chuyên dụng phân loại rác để đưa rác đến nơi xử lý một cách hiệu quả, nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng, các công trình xử lý rác, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cải thiện môi trường ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chương trình phối hợp đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả rõ nét, thiết thực với các công việc và số liệu rất đầy đủ, cụ thể. Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố ký Chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
“Các nội dung phối hợp về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được lồng ghép, thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống Mặt trận các cấp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Khẳng định, những kết quả đạt được trong giai đoạn 2017 - 2020 của Mặt trận các cấp và ngành Tài nguyên và Môi trường đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban  TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cảm ơn các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, ngành Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo, Ban Công tác Mặt trận ở các địa bàn dân cư đã cố gắng, nỗ lực phấn đấu, tâm huyết, trách nhiệm hết mình trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp trong thời gian qua.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác sơ kết, tổng kết để nhân rộng mô hình và khen thưởng còn nhiều bất cập; tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn cho cán bộ Mặt trận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chưa được thường xuyên.
Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên - môi trường của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế; ý thức một số hộ chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước và cam kết bảo vệ tài nguyên - môi trường.
13 1 2021 15
Toàn cảnh Hội nghị
Nhắc tới môi trường ở nhiều nơi vẫn còn ô nhiễm, trở thành vấn đề nổi cộm và là thách thức đối với phát triển bền vững, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh tới vấn đề môi trường nước, không khí tại nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn. Công tác thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Áp lực và hệ quả của sự phát triển kinh tế đối với môi trường ngày càng lớn, làm cho việc phục hồi các hệ sinh thái và chất lượng môi trường không thể đạt được trong một thời gian ngắn.
“Sự phối hợp tổ chức các hoạt động giữa Mặt trận các tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường có lúc chưa thật chặt chẽ, thường xuyên. Phối hợp chủ yếu là hoạt động bề nổi, chưa có điều kiện đi sâu nắm bắt và tháo gỡ giúp địa phương giải quyết những bức xúc về công tác bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Khẳng định năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt - năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, sau khi ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, hai cơ quan sẽ đề ra ngay các biện pháp và lộ trình cụ thế để khắc phục những hạn chế nêu trên.
Đồng thời, phối hợp với nhau chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để thực hiện thành công Chương trình, trong đó, tập trung vào việc vận động nhân dân và giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cải thiện môi trường ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là phải giảm mạnh rác thải nhựa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hệ thống Mặt trận và chính quyền các cấp cũng như trong nhân dân.
Từ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, để phát huy vai trò của hai bên trong triển khai nội dung chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp giám sát trong việc thực hiện các quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược cũng như đánh giá tác động môi trường; giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với đó, cần có sự tham gia phản biện sâu hơn nữa của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình hoạch định, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời tiếp tục phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới...
Hội nghị cũng chứng kiến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện ký kết Chương trình phối hợp 2021 - 2025.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

 
BBT (Nguồn: báo TN&MT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập230
  • Hôm nay13,234
  • Tháng hiện tại223,245
  • Tổng lượt truy cập27,247,409
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây