(Tin Môi Trường) - Ngày 31/12 /2020, Trung tâm Truyền thông Cộng đồng Môi trường (Hội BVTN&MT Việt Nam) cùng các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực môi trường trong nước đã cùng bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2020. Kết quả được lựa chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước Năm 2020 là năm thứ 10 tổ chức bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước
1. Phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai cổ thụ trong rừng Si Ma Cai
Các nhà khoa học lâm nghiệp đã phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai cổ thụ phân bố trên diện tích rừng tự nhiên tại xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Đoàn khảo sát với PGS.TS. Trần Ngọc Hải - Phó trưởng khoa Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp và đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai đã tiến hành đợt nghiên cứu loài cây bản địa tại huyện vùng cao Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Qua quá trình khảo sát tại thôn Ngải Phóng Chồ đã phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai, phân bố tự nhiên trên diện tích rừng khoảng 3 ha. Theo tài liệu nghiên cứu, cây thanh mai ở Việt Nam có 1 chi với 2 loài là Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D.Don và Myrica rubra Sieb. & Zucc., chủ yếu mọc trong rừng tự nhiên; phân bố tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Thanh mai là cây gỗ nhỏ, chiều cao thường đạt 9 - 10m, có tán rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa kết quả nên năng suất quả khá cao. Vì vậy cây thanh mai đạt yêu cầu cả về cây phòng hộ kết hợp với hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh mai chưa được quan tâm; chưa có mô hình trồng thanh mai vừa lấy quả vừa gắn với phát triển rừng phòng hộ bảo vệ đầu nguồn. Để phát triển kinh lế lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững, cần tuyển chọn cây trội của loài thanh mai mọc trong rừng tự nhiên như ở vùng cao Si Ma Cai, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng rừng cũng như thu hái, sơ chế, bảo quản và chế biến quả thanh mai cho khai thác và phát triển bền vững loài cây quý này.
2.Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thu hút sự quan tâm của dư luận
Tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cụ thể, điều chỉnh tên dự án từ “hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”. Điều chỉnh quy mô dự án từ 600 ha thành 2.780 ha, với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn… Tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư). Thời hạn thực hiện dự án 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, và 50 năm kể từ ngày 11.7.2007 cho phần diện tích biển 600ha đã giao cho nhà đầu tư. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Xung quanh việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án lấn biển Cần Giờ đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 20/7, ông Nguyễn Xuân Hải -Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường khẳng định: Việc có các điều kiện kèm theo là hoàn toàn phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án. Liên quan đánh giá tác động ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Hải cho biết, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.. Kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. 3. Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị Chỉ thị 29/CT-TTg ban hành về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chỉ thị nêu rõ, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm. pháp luật về quản lý động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết; trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp; đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu. Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.
4. Châu chấu tre lưng vàng phá hoại gần 300ha cây trồng
Từ tháng 6 đến tháng 7/2020, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam. Cụ thể, đầu tháng 6/2020, châu chấu tre lưng vàng di trú từ Lào sang địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ ngày 20/7/2020 di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên. Bộ NN&PTNT cho biết, cho đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa). Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm 2020 đến nay là 277 ha (thấp hơn 566,3 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô). Công tác chỉ đạo phòng chống châu chấu tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu này để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đã chủ động công tác điều tra phát hiện và phòng trừ hiệu quả, không để gây hại trên diện rộng; nhất là các địa phương giáp biên giới tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào để nắm bắt thông tin và hợp tác trong việc phối hợp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, lưu ý cập nhật vấn đề di trú của các đàn châu chấu qua lại hai bên để có biện pháp phòng chống kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các địa phương chủ động kiểm tra, phát hiện và phòng chống kịp thời, hiệu quả đối với loài châu chấu này.
5.Vườn quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”
Ngày 21/11, Vườn quốc gia Vũ Quang đã long trọng tổ chức lễ công bố “Vườn di sản ASEAN” - danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang được thành lập ngày 30/7/2002, theo Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích được giao quản lý trên 57.000 ha, trong đó có tới 52.000 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhiệm vụ chính của VQG Vũ Quang là bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào. VQG Vũ Quang có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với gần 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác...
6. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường(sửa đổi)
Chiều ngày 17/11/2020, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), với 443/466 đại biểu tán thành, chiếm 91,91%. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, gồm 16 chương, 171 Điều. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) quy định 07 nguyên tắc bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như: vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế. Không thực hiện các công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường…
7. Gia Lai đổi 174ha đất rừng làm sân golf sẽ làm mất vĩnh viễn thảm thực vật 50 năm
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 174 héc ta đất rừng để thực hiện dự án sân golf. Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình số 2402 xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf Đắk Đoa. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN), dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng 174 ha đất rừng (trữ lượng 15.000m3 gỗ) làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN), dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng 174 ha đất rừng (trữ lượng 15.000m3 gỗ) làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm. Trước đó, Gia Lai đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa. Mục tiêu xây dựng tổ hợp sân golf, tạo một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt chuẩn quốc tế, là một trong những trung tâm du lịch của Bắc Tây Nguyên, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách trong và ngoài nước. Nếu được đầu tư, dự án sẽ được xây dựng trên trên khu đất 197,3 ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đắk Đoa, Gia Lai. Trong 197,3 ha, quy hoạch khu sân golf 36 lỗ là 170,5 ha; đất phụ trợ sân golf là 26,8 ha. Thời gian thực hiện hợp đồng đầu tư dự án có sử dụng đất là 532 ngày. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng.
8. Mã Pì Lèng Panorama tiếp tục ”làm xấu” kỳ quan độc nhất Hà Giang
Mã Pì Lèng Panorama vốn nổi tiếng là một điểm dừng chân "tai tiếng" trên một góc cua tại đèo Mã Pì Lèng - "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam. Trước đây, nơi này từng bị dư luận phản ứng khi có quy mô xây dựng lớn, kiên cố, choán hết một phần góc nhìn xuống hẻm Tu Sản, kỳ quan độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Trước đây, công trình được xây dựng với 7 tầng, gồm 2 tầng nằm trên mặt đường và 5 tầng xây theo triền núi. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang từng xác định đây là công trình "không có giấy chứng nhận đầu tư", "không được cấp có thẩm quyền phê duyệt", "không được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư", và "không có giấy phép xây dựng". Tuy nhiên, vì công trình trùng với địa điểm được UNESCO phê duyệt quy hoạch xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh, thế nên chính quyền đã tính đến phương án cải tạo thay vì đập bỏ toàn bộ hoặc "phạt cho tồn tại". Bẵng đi một thời gian, Mã Pì Lèng Panorama đã quay trở lại với diện mạo mới, khang trang hơn và có phần... hoành tráng hơn. Từ gam màu sặc sỡ, địa điểm này chuyển sang sắc xám của đá và kiến trúc mang hơi hướng truyền thống của đồng bào dân tộc H'mong, phù hợp cảnh vật xung quanh hơn so với trước. Thế nhưng, chiều cao công trình đã tăng cao hơn. Phần mái được lợp tôn thay vì mái bằng như trước. Khuôn viên công trình chưa hoàn thiện khi vẫn còn các vật liệu xây dựng vương vãi xung quanh. Tuy nhiên, lượng lớn du khách vẫn đổ về tham quan, lựa chọn điểm dừng chân này để vãn cảnh sông Nho Quế và hẻm Tu Sản từ trên cao vì vị trí quá đắc địa. 9. Năm 2020 có 458 trận thiên tai gây thiệt hại hơn 33.500 tỷ đồng
Năm 2020 là năm mà thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước.Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai (13 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển...) đã làm 342 người chết, mất tích; 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập; 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 49.658 con gia súc, 3.366.417 con gia cầm chết, cuốn trôi; 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng. 10.Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam
Tối ngày 26/12/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) thay mặt Hội đồng đã đón nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Giải thưởng danh giá đã được trao tặng từ năm 2001 tới nay. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho Hội đồng, cũng là dành cho nỗ lực không mệt mỏi của VACNE và cộng đồng cả nước trong sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được phát động từ năm 2010. Trong 10 năm qua, Hội đồng đã trình Lãnh đạo VACNE công nhận trên 5.000 cổ thụ thuộc 130 loài ở 54 tỉnh/thành phố là Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện bảo tồn Cây Di sản, theo đánh giá của nhiều người, đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá môi trường tiên tiến, góp phần tạo sinh kế bền vững và nâng cao mức sống cộng đồng. 10 sự kiện Môi trường nổi bật trong nước là sự kiện thường niên do các nhà báo viết về môi trường bình chọn vào ngày cuối cùng của năm. Tiền thân đây là sự kiện bình chọn do Tin Môi Trường tổ chức. Năm 2020 là năm thứ 10 tổ chức bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước. Kết quả được lựa chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước.
BBT (Nguồn: Trung tâm Truyền thông Cộng đồng Môi trường)
BBT (Nguồn: Trung tâm Truyền thông Cộng đồng Môi trường)