Thứ nhất, đã ban hành Kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW. Đến nay, các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động với các mục tiêu, tiêu chí, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, cơ chế kiểm tra, giám sát, cơ quan chịu trách nhiệm và lộ trình chi tiết để cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức. Lồng ghép nội dung phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW tại các văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thứ hai, thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban chỉ đạo quốc gia có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo thống nhất, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đến nay có 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; các địa phương có biển khác đang xây dựng Đề án thành lập và sẽ hoàn thành việc thành lập thời gian tới.
Thứ ba, phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Với phương châm chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, theo đó Đề án đã kế thừa, phát triển những nội dung liên quan từ thực tiễn đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển thời gian qua và đề ra các chủ trương, giải pháp triển khai phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế thời đại. Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết là “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”. Đồng thời, hướng đến Thập kỷ của Liên hợp quốc về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030; khắc phục tồn tại, hạn chế về công tác hợp tác quốc tế về biển trong thời gian qua. Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ và 07 nhóm giải pháp.
Thứ tư, phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là tiền đề quan trọng của kinh tế biển; kết quả điều tra cơ bản là cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc gia, xây dựng thể chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn