Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật
Bộ TN&MT đã rà soát, đánh giá tình hình thi hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT). Kết quả, Bộ đã trình ban hành 159 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: trình Quốc hội thông qua Luật đo đạc và bản đồ; 01 Nghị quyết của Quốc hội, 13 Nghị định, 07 Quyết định của Thủ tướng, 137 Thông tư, Thông tư liên tịch. Bộ cũng tập trung công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật khí tượng thủy văn, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và triển khai việc sơ kết 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới, cải tiến tích cực, Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ và các Sở TN&MT đã bám sát định hướng của ngành và Thanh tra Chính phủ; có sự phối hợp thống nhất, hạn chế sự trùng lắp. Kết quả đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT của các đối tượng được thanh tra, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác QLNN và hệ thống VBQPPL.
Công tác xuất tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng, kết quả giải quyết đạt trên 77% số vụ việc phát sinh; việc đối thoại, hướng dẫn, giải thích, hòa giải được coi trọng. Đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Công tác tổ chức cán bộ đã có những đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bộ TN&MT đã hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ; đã xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về TN&MT trực thuộc UBND các cấp. Đã ban hành quy định về phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc bộ và các sở TNMT. Thực hiện rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai và của Trung tâm phát triển quỹ đất. Đến tháng 07/2018, có 61/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở TN&MT theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 (02 tỉnh chưa kiện toàn: Thanh Hóa, Trà Vinh).
Công tác cải cách hành chính (CCHC) có những kết quả đáng ghi nhận với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính. Bộ trưởng đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2018 của Bộ nhằm cụ thể hoá việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đã ban hành và công bố phương án cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước (QLNN) của Bộ. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 82 TTHC, trong đó có 67 dịch vụ công mức độ 3; 15 dịch vụ công mức độ 4; tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả 03 đường dây nóng để người dân và tổ chức, doanh nghiệp thông tin trực tiếp hoặc gửi những phản ánh, kiến nghị đến Bộ về những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động QLNN về TN&MT và về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ đạt 80.02/100 điểm, xếp thứ 10/19 bộ, ngành, tăng 06 bậc so với năm 2016. Kết quả điều tra xã hội học tăng 13 bậc, từ vị trí thứ 18 (năm 2016) lên vị trí thứ 5 (năm 2017).
Tỷ lệ phản ánh có bôi trơn sổ đỏ giảm 27%; các chỉ số hài lòng SIPAS có tăng đều qua 2 năm, trong đó chỉ số tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73.7 lên 76,86 điểm; thủ tục hành chính tăng từ 73,5 lên 82,37 điểm; sự phục vụ của công chức tăng từ 74,3 lên 79,5 điểm; chỉ số kết quả giải quyết TTHC tăng từ 73,7 lên 83,27 điểm; chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục được tiếp nhận trực tuyến tiếp tục có sự chuyển biến; đã rà soát, đề xuất bãi bỏ 102/163 thủ tục đầu tư kinh doanh. Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung cấp các dịch vụ công của ngành tài nguyên và môi trường.
Công tác Hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Bộ tiếp tục duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác về TN&MT với các nước và các tổ chức quốc tế. Đã xây dựng Đề án thiết lập Đối tác chiến lược về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu với Thụy Điển; tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước GMS lần thứ 5 (EMM5); Hội nghị Bộ trưởng mở rộng đặc biệt ASEAN về BĐKH; Hội nghị cấp cao Ủy hội Mê Công quốc tế lần thứ 3. Ký kết các văn kiện hợp tác với Pháp và Cu Ba nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 và các sự kiện liên quan tại thành phố Đà Nẵng. Phê duyệt chủ trương ký kết 07 Thỏa thuận quốc tế cấp Bộ và 05 bản Ghi nhớ giữa các đối tác nước ngoài và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước về TN&MT năm 2019 và giai đoạn 2019 – 2021
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá việc thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật; xây dựng, triển khai các đề án đổi mới chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo được những đột phá có tính cách mạng cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo; trong đó tập trung các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước và quản lý tổng hợp biển và hải đảo.
Hai là, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng mô hình tổ chức của ngành phù hợp với các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường năng lực của ngành, từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại trong quản lý. Chú trọng trong công tác đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển mạng lưới hạ tầng quan trắc, thông tin, dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ba là, tập trung sửa đổi Luật Đất đai; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ thị số 01/CT-TTg của TTCP về tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Khẩn trương rà soát, khắc phục tình trạng lãng phí, để hoang hóa, sử dụng đất sai mục đích; rà soát tình hình hình sử dụng quỹ đất công ích, đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá; sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường gắn với giải quyết vấn đề di dân tự do ở khu vực Tây Nguyên; triển khai một số mô hình điểm về tập trung đất đai. Triển khai việc điều chỉnh QHSDĐ đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2019 để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển KT-XH; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, hoàn thành cấp GCN lần đầu, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai ngay từ cơ sở để không phát sinh các vấn đề xã hội bức xúc ảnh hưởng đến phát triển KT-XH. Các địa phương chủ động, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết xử lý tranh chấp, không đẩy việc lên cấp trên và kiện toàn các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Bốn là, tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; kiên quyết loại bỏ quan điểm sản xuất trước, làm sạch sau; sàng lọc dự án, công nghệ lạc hậu ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực BVMT; thắt chặt các hoạt động nhập khẩu phế liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ô nhiễm môi trường làng nghề, nông thôn. Các địa phương cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp; phối hợp với Bộ TN&MT để triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; giám sát thực hiện tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo các lưu vực sông. Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo yêu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên. Điều tra khảo sát nguồn nước dưới đất để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cho đồng bằng sông Cửu Long.
Sáu là, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản,đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra về khoáng sản và hoạt động khoáng sản, đặc biệt là công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý với những địa phương và tổ chức, cá nhân doanh nghiệp có hành vi cố tình vi phạm pháp luật về khoáng sản. Các địa phương phối hợp Bộ xây dựng, ban hành quy chế phối hợp tổ chức trong hoạt động quản lý khoáng sản, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh địa giới hành chính.
Bảy là, triển khai thực Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai nhiệm vụ, dự án thuộc CTMT ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 -2020 theo quy định và theo các hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Tám là, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong hoạt động nhận chìm vật, chất nạo vét ở biển; sửa đổi Nghị định số 51 về giao khu vực biển. Tăng cường quản lý các chất thải nhựa trên biển, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các trạm quan trắc tại các khu vực biển có nguồn gây ô nhiễm biển từ hoạt động của con người trên đất liền. Các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động lấn biển của các tổ chức, cá nhân, phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan trung ương để kịp thời xử lý.
Chín là, hoàn thành và đưa vào hoạt động các trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam. Thực hiện phân giới cắm mốc trên đất liền thuộc các tuyến: Việt Nam - Campuchia; xây dựng bộ bản đồ chuẩn và cơ sở dữ liệu bản đồ đường biên giới Việt Nam - Lào. Triển khai ba văn kiện sau phân giới cắm mốc, đặc biệt là việc đảm bảo kỹ thuật, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý biên giới sau phân giới cắm mốc tại các địa phương; thực hiện Hiệp định về cửa sông Bắc Luân Việt Nam - Trung Quốc.
Mười là, hoàn thiện khung pháp lý, chuyển giao kỹ thuật để các địa phương tăng cường ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn