Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT:
Coi xây dựng, cải cách thể chế là nội dung quan trọng của phong trào thi đua
Cải cách thể chế được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải cách thể chế, pháp luật, thường xuyên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đối với các Bộ, ngành. Thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ cũng luôn xác định hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu và là một trong những nội dung để xây dựng phong trào thi đua yêu nước của ngành TN&MT giai đoạn mới.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật trong tình hình mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào một số định hướng lớn trong xây dựng, cải cách thể chế, pháp luật và cải cách thủ tục hành chính như:
Tập trung thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng (văn kiện đại hội XII của Đảng) trong hệ thống pháp luật tài nguyên và môi trường; tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số đạo luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học…), đặc biệt là khẩn trương tổng kết Nghị quyết số 19/NQ-TW, tổng kết và đề xuất sửa đổi Luật Đất đai - một đạo luật lớn, quan trọng sẽ thực hiện vào đầu nhiệm kỳ tới.
Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua để đưa các chính sách của Luật vào cuộc sống.
Ưu tiên xử lý các quy định, pháp luật vướng mắc, bất cập trong thực tế (lắng nghe, hướng về địa phương, cơ sở và người dân, doanh nghiệp); tập trung kiểm soát, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, kết nối giữa các văn bản quy phạm pháp luật, giữa các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và bảo đảm hoàn thành và vượt chi tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định hoạt động đầu tư kinh doanh; giảm tối đa số lượng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cần phải quyết tâm thực hiện các giải pháp và cơ chế đột phá cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật: đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; huy động trí tuệ, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị:
Phấn đấu đưa ngành Tài nguyên và Môi trường là nguồn lực của đất nước
Để xây dựng các nội dung, thi đua thực hiện trong 5 năm tới theo định hướng của Bộ TN&MT, toàn Ngành phải luôn xác định và phấn đấu để ngành Tài nguyên và Môi trường trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng an ninh và hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, quan tâm đặc biệt hơn đến tài nguyên đất, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển đảo, đa dạng sinh học, tài nguyên khí hậu.
Theo đó, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện, trình ban hành các Luật, Văn bản dưới luật của ngành Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó tham mưu, xây dựng và ban hành các Chính sách địa phương sát, đúng thực tế dễ vận dụng. Tích hợp các quy hoạch của ngành TN&MT ở địa phương trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Chỉ đạo xây dựng các quy hoạch cấp huyện theo đúng Luật Quy hoạch đảm bảo cho định hướng và phát triển lâu dài của ngành TN&MT.
Với trách nhiệm là lãnh đạo ngành TN&MT tinh Quảng Trị tôi xin cam kết sẽ phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, xây dựng, phát động các phong trào thi đua hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Ông Trần Cảnh Tiêu - Trưởng phòng Mạng lưới trạm và Thông tin Khí tượng thủy văn, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Tổng cục KTTV:
Thi đua nâng cao nghiệp vụ, đẩy mạnh khâu đào tạo để có đội ngũ làm khí tượng thủy văn chuyên nghiệp, trình độ cao
Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, trong đó bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, tố lốc, gió giật,… thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc quản lý kỹ thuật mạng lưới trạm KTTV nhằm duy trì hoạt động ổn định đảm bảo yêu cầu về chất lượng số liệu phục vụ công tác dự báo KTTV là hết sức quan trọng.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh, sâu rộng của công nghệ số đã giúp cho việc quan trắc, truyền tin KTTV thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đòi hỏi người làm công tác quan trắc KTTV phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên ngành, các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giao tiếp truyền tải thông tin cũng như khả năng sáng tạo, tư duy độc lập. Trong nội dung Thi đua yêu nước giai đoạn mới, cần phải đẩy mạnh nội dung tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng mềm đặc biệt các lớp về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị trạm KTTV tự động cho đội ngũ quan trắc viên tại các trạm KTTV để họ dần tiếp cận tiến tới làm chủ trong giám sát, vận hành hệ thống trạm KTTV tự động.
Tăng cường chuyển giao công nghệ: Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV là đầu mối, trung gian chuyển giao, kết nối giữa các Đài KTTV khu vực, các cơ quan, Ban, ngành có liên quan có những cách làm hay, những sáng kiến cải tiến hữu ích, phù hợp cùng chia sẻ, phối hợp để áp dụng.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn