Phát biểu chào mừng Hội nghị sáng 24/11, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam có thể phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường thời gian tới.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa biển và các Tuyên bố chung ASEAN tại Hội nghị COP 15 CBD và Hội nghị COP 26 UNFCCC. Thông qua việc chung tay xây dựng và thực thi Kế hoạch hành động khu vực, và cùng nhau đưa ra các Tuyên bố chung, các nước thành viên ASEAN sẽ thể hiện tinh thần gắn kết để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.
ội nghị là dịp để các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau rà soát các chương trình hoạt động của ASOEN, cũng như thảo luận để đưa ra các khuyến nghị để các hoạt động của ASOEN ngày một hiệu quả, góp phần đạt được những mục tiêu của dự thảo Kế hoạch Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN, đồng thời góp phần đạt được sự bền vững về môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
“Để đạt được các mục tiêu trên, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề cấp bách bao gồm ô nhiễm nước, không khí xuyên biên giới, rác thải nhựa đại dương, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ, tập trung nguồn lực để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, tiếp tục sát cánh cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực trên cơ sở duy trì mối quan hệ hợp tác và tin cậy lẫn nhau và gắn kết sự tham gia, đóng góp của các đối tác để giải quyết thách thức mà chúng ta đã và đang phải đối mặt”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với Ban Thư ký ASEAN đã rà soát kết quả hoạt động của 7 nhóm công tác: Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ; nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu; nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải; nhóm công tác ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học; nhóm công tác ASEAN về giáo dục môi trường; nhóm công tác ASEAN về thành phố môi trường bền vững; nhóm công tác ASEAN về quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, đệ trình lên Bộ trưởng ASEAN về môi trường (AMME) thông qua các tài liệu về: Các đề cử Vườn Di sản ASEAN mới; kế hoạch hành động Khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa biển; dự thảo Khung Chiến lược và Kế hoạch hành động Hợp tác ASEAN – Trung Quốc về môi trường; lưu ý về năm Hợp tác phát triển bền vững ASEAN – Trung Quốc 2021; đối thoại ASEAN – Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu 2021.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên ASEAN cũng đệ trình lên AMME ghi nhận các tài liệu về: Điều khoản tham chiếu của Ban Tài nguyên ASEAN; đối thoại cấp cao ASEAN – Vương quốc Anh/ Diễn đàn Bộ trưởng bên lề Phiên họp thứ 26 của Hội nghị các Bên (COP 26) của Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); cập nhật về dự thảo Kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường; tuyên bố chung ASEAN về tăng cường thích ứng với hạn hán.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn