Tham dự Hội thảo có ông William Aguemang Bonsu - Trưởng ban Đào tạo của UNFCCC; ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Jay Malette, đại diện UNDP cùng các cán bộ đầu mối thuộc cơ quan quản lý các lĩnh vực có tiềm năng phát thải khí nhà kính (KNK) cao như công nghiêp, nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyên sâu về kiểm kê KNK.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, tập huấn về quy trình, phương pháp kiểm kê cũng như việc minh bạch hóa các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK nhằm đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA/QC) kiểm kê khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực và quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, ông William Aguemang Bonsu, đại diện Ban Thư ký UNFCCC cho rằng việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng kiểm kê phát thải KNK là nhân tố đầu vào quyết định đến việc xây dựng, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở quy mô quốc gia nói riêng, ở quy mô khu vực và toàn cầu nói chung. Thời điểm này đang là cơ hội để mỗi quốc gia thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển mới, ít phát thải khí nhà kính và có tính bền vững cao.
TS. Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, theo quy định của UNFCCC, các nước đang phát triển cần định kỳ xây dựng, cập nhật Thông báo quốc gia (NC) và Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR) đệ trình Ban Thư ký của UNFCCC. Theo đó, Thông báo quốc gia lần thứ nhất được Việt Nam đệ trình UNFCCC vào năm 2000 và lần thứ hai vào năm 2010, trong đó quy trình, phương pháp kiểm kê cũng như việc tính toán các hệ số phát thải đều bám sát quy định của UNFCCC và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Thông báo quốc gia lần thứ 3 của Việt Nam hiện cũng đang được khẩn trương xây dựng, trong đó công tác đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA/QC) kiểm kê khí nhà kính đã được cải thiện rõ rệt, và sẽ được đệ trình Ban Thư ký UNFCCC vào cuối năm 2018.
Ông Trí cũng cho biết, là một trong những quốc gia đang phát triển và chịu tác động trực tiếp của BĐKH, Việt Nam đã chủ động, nỗ lực để thích ứng với các tác động của BĐKH và từng bước thực hiện lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK. Tuy nhiên, việc đánh giá đầy đủ, toàn diện hiện trạng phát thải KNK, nguyên nhân chính gây ra BĐKH cũng như thực hiện quy trình, phương pháp kiểm kê vẫn còn là vấn đề khó khăn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ, kinh nghiệm từ các quốc gia, đối tác phát triển cũng như hướng dẫn kỹ thuật của UNFCCC để có được sự thống nhất chung về phương pháp, quy trình kiểm kê KNK ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
Hội thảo tập huấn diễn ra từ ngày 17 đến 21/9/2018, đây là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những phương pháp, quy trình kỹ thuật mới về kiểm kê KNK nhằm hỗ trợ các cơ quan phía Việt Nam có được kết quả kiểm kê cấp ngành, cấp quốc gia đảm bảo tính khoa học, đầy đủ và chính xác theo thông lệ quốc tế.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn