1. Sở dĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời điểm cần phải bứt phá bởi năm 2019 là chặng cuối trong chu kỳ phát triển 5 năm, được xem là năm tăng tốc phát triển, chuẩn bị về đích cho giai đoạn 2016 - 2020. Nếu cứ bình bình, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không có sản phẩm cụ thể sẽ không thể duy trì và vượt lên kết quả ấn tượng của năm 2018. Trong bối cảnh như vậy, đâu là điều cốt yếu trong chủ trương, nhiệm vụ của ngành TN&MT?
Hội nghị tổng kết của Bộ TN&MT năm nay có một tiêu đề khác so với mọi năm: “Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của ngành TN&MT”. Đó không chỉ là một sự kiện tổng kết năm cũ và bàn phương hướng năm mới mà còn để thảo luận việc thực hiện hai Nghị quyết quan trọng Chính phủ vừa ban hành cách đó một tuần lễ: Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến 2021.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của ngành TN&MT trong phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, đánh giá cao Bộ TN&MT đã lập tức đưa ra chương trình hành động thực hiện hai Nghị quyết trên, chỉ sau 1 - 2 ngày Chính phủ ban hành. Ông cũng dành lời khen đối với Tư lệnh ngành TN&MT - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã “lăn xả vào công việc, có nhiều đề xuất, đóng góp ý kiến cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
2. Bứt phá đầu tiên được Thủ tướng yêu cầu thực hiện là thể chế, chính sách. Bởi đây là khâu quan trọng nhất để tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực…, đưa nước ta hội nhập và phát triển.
Thực tế năm 2018, nhờ vào việc tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, các nguồn lực tài nguyên đã được phát huy mạnh mẽ. Điều đó thể hiện ở con số nguồn thu từ đất đạt 121,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% thu ngân sách. Điển hình có tỉnh Quảng Ninh, nguồn thu từ TN&MT (đất là chính) chiếm tới 50% nguồn thu của tỉnh. Ngoài ra, nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước tăng gấp 2,5 lần so với 2017, nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.000 tỷ đồng.
Tiếp nối đà đổi mới đó, năm 2019, Bộ TN&MT xác định sẽ tạo đột phá trong lĩnh vực này với 2 mũi nhọn.
Một là, rà soát, sửa đổi 3 dự luật lớn về bảo vệ môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước nhằm nâng hiệu quả quản lý, thay đổi tư duy và tăng tính liên kết, phối hợp. Tại Hội nghị này, Thủ tướng lưu ý, việc sửa đổi chính sách phải bám sát sự vận động của thực tế, đảm bảo sức sống bền lâu của văn bản pháp quy, đồng thời, điều chỉnh giải pháp phù hợp; phối hợp với địa phương để quyết liệt triển khai.
Hai là, tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong toàn ngành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, hoàn thiện công cụ kinh tế, quy hoạch và triển khai thí điểm một số chính sách để nâng hiệu quả sử dụng đất. Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ cho phép trình Quốc hội các Đề án thí điểm về đất đai để giải quyết các vấn đề trước mắt như tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận đất đai để tổng kết đúc rút kinh nghiệm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai một cách căn cơ với các cơ chế đột phá.
Ngoài ra, để tăng tính minh bạch, Bộ còn kiến nghị Chính phủ cho phép cơ chế Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện ứng vốn để thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch nhằm tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng; bố trí nguồn thu ngân sách từ đất trong 3 năm để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên và môi trường để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng.
3. Hiện nay, người dân Việt Nam đang có 14 mối lo: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, tham nhũng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, môi trường kinh doanh, thiên tai, tính minh bạch và tham gia quản trị Nhà nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu. Thủ tướng chia sẻ thông tin này và cho biết, 4 trên tổng số 14 lo lắng thuộc về trách nhiệm giải quyết của Bộ TN&MT. Đó không phải là ít. Vậy giải quyết bằng cách nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, 4 mối lo ấy là 4 câu hỏi lớn mà ngành phải hành động. Hành động là phải thảo luận về lý luận, đổi mới về tư duy, xốc lại bộ máy và bắt tay ngay vào việc. Trong phương hướng của toàn ngành cũng như chương trình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị định 02/NQ-CP, Bộ TN&MT đã đưa nhiều hành động triển khai cụ thể trên các lĩnh vực để giải đáp các câu hỏi lớn này.
Trước hết về bộ máy, con người, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về biển, hải đảo; chú trọng tăng cường năng lực cho cấp địa phương, cơ sở; tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo...
Ở các lĩnh vực quản lý tài nguyên như: Đất đai, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, biển đảo, Bộ TN&MT hướng đến việc điều tra cơ bản toàn diện để vẽ nên bức tranh tổng thể về tài nguyên, từ đó, đưa ra hướng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Các nguồn tài nguyên này phải được khai thác dựa trên quy hoạch có tính bền vững, đồng thời, đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT.
Về môi trường, sẽ hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, quản chặt từ đầu nguồn phát thải. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn trách nhiệm và có chế tài mạnh trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, tránh các sự cố lớn. Mặt khác, nhanh chóng phục hồi môi trường tại các dòng sông, các làng nghề, khu dân cư, khu vực khai thác khoáng sản, khu - cụm công nghiệp…
Để ứng phó với thách thức thiên tai và biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT hướng vào việc tăng cường công nghệ cho dự án hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, tăng mật độ mạng lưới trạm quan trắc, phối hợp liên vùng, tạo cơ chế tài chính để đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho vùng nhạy cảm với khí hậu. Đặc biệt, hướng vào 3 trọng tâm: Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; chống sạt lở ở ven biển miền Trung và sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở miền núi phía Bắc.
Đối với các lĩnh vực công nghệ như viễn thám, đo đạc bản đồ, không gian địa lý, Bộ TN&MT chủ trương tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để đi tắt đón đầu. Đó là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trong xây dựng cơ sở dữ liệu, tích hợp đa mục tiêu, giám sát biến động tài nguyên và khí hậu…
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong thời gian qua để Bộ TN&MT thúc đẩy việc giao lưu trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Tiến tới đây là hoàn thiện hệ thống thống điều hành, kết nối ngành TN&MT từ Bộ tới Sở, hướng tới đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử như Thủ tướng kỳ vọng.
Thế và lực toàn ngành TN&MT đã được nâng lên trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ ngày đầu thành lập. Từ những bước đi chắc chắn, những hành động cụ thể, ngành TN&MT đã đạt được những kết quả toàn diện, đóng góp cho ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, gián tiếp thông qua việc kiểm soát tốt các vấn đề môi trường đối với các dự án lớn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sớm tạo mặt bằng cho triển khai các dự án; giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế thông qua việc làm tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn.
Những kết quả đó, cùng với quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành, chúng ta tràn đầy hy vọng đón tiếp những mùa xuân mỗi năm một mới, một vui hơn.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn