Tham dự có đại diện các quốc gia ASEAN; Ban thư ký ASEAN; đại diện các Bộ: Ngoại giao, Lao động – Thương Binh và Xã hội; các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đại sứ quán: Nhật Bản, Vương quốc Anh, I-ta-li-a; Liên minh Châu Âu EU, Ngân hàng Thế giới WB, Cơ quan phát triển Pháp AFD, Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP, Tổ chức hợp tác phát triển Đức, Trung tâm Hợp tác Môi trường Hải ngoại (OECC) Nhật Bản cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ.
Chủ trì hội nghị, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác ASOEN Việt Nam về biến đổi khí hậu (AWGCC) cho biết: Năm 2020 là năm quan trọng, khi các quốc gia bao gồm các nước ASEAN cần rà soát các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã thực hiện cho giai đoạn trước năm 2020. Đây cũng là thời điểm hướng tới chuẩn bị thực hiện Thoả thuận Paris vào năm 2021. Việt Nam dự kiến tổ chức Hội nghị này vào tháng 4/2020 nhưng do đại dịch COVID-19, Hội nghị không thể diễn ra như kế hoạch và chuyển sang hình thức trực tuyến.
Theo ông Tấn, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, khiến Việt Nam và các quốc gia ASEAN phải nỗ lực gấp đôi để vừa thực hiện các mục tiêu cam kết trong NDC, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế và thực hiện các ưu tiên quốc gia khác cho phát triển bền vững.
Mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội trong những tháng gần đây nhưng Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành việc rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC cập nhật của Việt Nam đã sẵn sàng để gửi UNFCCC như đã thống nhất tại COP21. Ông Tấn mong rằng các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ các quốc gia ASEAN về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để phục hồi nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông SumThy, Phó Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững, Bộ Môi trường Cam-pu-chia cho biết, các quốc gia trên toàn cầu đang tập trung vào lĩnh vực y tế cộng đồng, ổn định nền kinh tế. Hội nghị lần này nhằm cập nhật tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động của ASEAN về biến đổi khí hậu, các dự án đang triển khai và các đề xuất mới do các nước ASEAN và các đối tác phát triển trình bày.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng sẽ có phần họp kín giữa các quốc gia ASEAN và Ban thư ký ASEAN để rà soát và hoàn thành Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về biến đổi khí hậu; thảo luận xây dựng Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và các vấn đề khác.
Cục Biến đổi khí hậu được giao chủ trì, phối hợp với các bên có liên quan xây dựng Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Tuyên bố chung). Tuyên bố chung đã được xây dựng công phu với sự tham gia tích cực của các quốc gia ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các Bộ, ngành có liên quan.
Thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động xây dựng dự thảo Tuyên bố chung và gửi các quốc gia ASEAN để lấy ý kiến. Dự thảo Tuyên bố chung đến thời điểm hiện tại cơ bản đã phản ánh được ưu tiên của Việt Nam và ưu tiên của các quốc gia ASEAN về biến đổi khí hậu. Hội nghị Nhóm Công tác ASEAN về biến đổi khí hậu đã thống nhất và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng Tuyên bố chung.
Theo lịch trình ban đầu, Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu sẽ thông qua Bản Tuyên bố chung gửi cấp cao hơn xem xét để Việt Nam thay mặt ASEAN công bố tại Hội nghị COP26. Tuy nhiên, do diễn biến của đại dịch COVID-19, Hội nghị COP26 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2021 thay vì tháng 11/2020.
Hội nghị lần thứ 52 các Ban bổ trợ thực hiện và Ban bổ trợ khoa học công nghệ (SB52) dự kiến lúc đầu tổ chức vào tháng 5/2020 cũng đã bị hoãn tới đầu năm 2021. Trước tình hình đó, Hội nghị cũng đã thống nhất việc thảo luận, cập nhật Bản tuyên bố chung sẽ do Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm cho tới khi bàn giao vai trò chủ tịch ASEAN sang Vương quốc Brunei.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn