* Bảo đảm quyền lợi cho người dân
Luật BVMT quy định, phải bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những chính sách để ghi nhận vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Trong các cuộc họp, có nhiều ý kiến của các ĐBQH đề nghị bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” vào Điều 1 và Điều 2, cơ quan soạn thảo luật nhận thấy cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường (BVMT), việc bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” trong hoạt động BVMT là cần thiết nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư đối với công tác BVMT. Do đó đã tiếp thu, bổ sung như tại Điều 1 và Điều 2 của Dự thảo Luật.
Một trong những vấn đề gắn với quyền lợi trực tiếp với người dân để đảm bảo luật đi vào cuộc sống sẽ được sự ủng hộ cộng đồng đó là vấn đề quản lý, thu gom, xử lý rác thải.
Vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý là vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra đối với hầu hết các khu vực đô thị và nông thôn hiện nay. Đây là những nội dung quy định mới, tiến bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Dự thảo Luật được nhiều ĐBQH ủng hộ, dư luận quan tâm.
Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao.
Góp ý vào dự thảo luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phải có cơ chế để khuyến khích người dân, doanh nghiệp trong vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải thì (sau khi ban hành) luật mới có hiệu quả thực thi.
Theo ông Phúc, phải để cho người dân bán được rác thải đã phân loại thì họ mới nhiệt tình thực hiện. “Nếu tôi bán rác, có tiền thì tôi mới có nhiều động lực để phân loại. Đơn vị đi thu gom phải trả tiền, còn nhà máy tái chế rác thì mua lại của ông thu gom, vận chuyển. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thu gom, xử lý thông qua thuế, phí thì sẽ hợp lý hơn” - ông Phúc nói.
Đồng tình ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bổ sung thêm bên cạnh cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì cũng cần duy trì nguyên tắc “ai xả càng nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền”. “Anh có thể bán rác đã phân loại nhưng anh cũng phải trả tiền xử lý khối lượng, loại rác đó. Có như vậy người ta mới không xả rác nhiều” - ông Lưu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, phải có chiến dịch truyền thông, dần dần thay đổi ý thức, hành động của người dân và toàn xã hội như đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phải tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, tại từng hộ, từng nhà, đâu phải đợi tới nhà máy mới phân loại.
Tuy nhiên, theo bà Ngân, muốn làm điều này phải có điều kiện cụ thể, nhà thu gom rác làm thùng 3 ngăn khác màu và in chữ luôn. Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể đăng ký làm kiểu mẫu cho từng khu phố, từng huyện, từng tỉnh giống như phong trào xây dựng nông thôn mới. “Luật này phải cụ thể hóa Hiến pháp, làm sao cho môi trường trong lành.”
* Đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Một trong những nội dung đổi mới trong việc sửa đổi Luật BVMT lần này có nhiệm vụ đơn giản hoá các thủ tục giấy phép và tạo điệu kiện cho những doanh nghiệp tuân thủ chấp hành quy định định của pháp luật. Theo đó, ngoài việc thực hiện các yêu cầu về ĐTM, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan, trong đó có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều có nội dung cơ bản giống nhau cho 01 đối tượng xả nước thải.
Để bảo đảm quản lý thống nhất vấn đề cấp phép xả thải ra môi trường và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo Luật quy định về 01 loại GPMT để giảm bớt thủ tục hành chính về môi trường; đồng thời bãi bỏ 02 thủ tục hành chính không còn cần thiết trong giai đoạn hiện nay là giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên việc bãi bỏ giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ phải sửa đổi Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Về giấy phép môi trường cũng có hai nhóm ý kiến. Ý kiến thứ nhất theo phương án Chính phủ trình, theo đó chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường.
Phương án hai, vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước (QLNN) mà Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT.
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến cho rằng nên tích hợp 7 giấy phép thủ tục về môi trường trong 1 giấy do Bộ TN-MT cấp là cần thiết, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời đúng thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành; không nên để giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi riêng.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để đánh giá những nội dung thực hiện cấp giấy phép duy nhất này. Việc cấp giấy phép này phải bao quát được đầy đủ, không bỏ sót hành vi, kịp thời xử lý khi có vi phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, bản chất là nước xả thải có đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường hay không chứ không phải việc xả thải vào công trình nào và cơ quan nào cấp giấy phép. Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thì đề nghị vẫn nên cân nhắc giao cho Bộ NN-PTNT cấp giấy phép này vì việc này liên quan tới nước sản xuất, canh tác. Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị vẫn để cả 2 phương án để tiếp tục nghiên cứu.
Một vấn đề cũng có tác động tốt đến người dân và hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc bảo vệ môi trường đó là tại Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội, dù còn ý kiến khác nhau về đề xuất của Chính phủ nhưng các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần tăng chi cho bảo vệ môi trường với vai trò là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế - xã hội - môi trường. Việc này cần có thêm ý kiến đóng góp, thảo luận của ĐBQH để vừa để bảo đảm vừa tăng được mức chi ngân sách cho bảo vệ môi trường vừa không phá vỡ tính thống nhất của pháp luật về ngân sách nhà nước.
* Nhiều vấn đề dân sinh được quan tâm
Ngày 12/8, Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo các vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các vấn đề đã được đặt ra trong phiên họp Quốc hội tháng 6 tiếp tục được xới xáo như thu phí rác thải, phân loại rác thải, đánh giá tác động môi trường; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương… Đây đều là các vấn đề dân sinh, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp nên được quan tâm trong khi xây dựng Luật là điều dễ hiểu. Về lâu dài, trong quá trình triển khai Luật, các nội dung này chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được nhiều phản hồi.
Việc thu phí rác thải được quan tâm nhiều nhất. Đáng chú ý là thông tin, sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo kg từ năm 2025 và sẽ phân loại rác thải thành ba loại. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, để quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cần nỗ lực của cả hệ thống chính trị và về lâu dài, cả xã hội phải nhận thức rằng, phân loại rác thải sinh hoạt cần trở thành thói quen văn minh.
Bộ TN&MT đang tiếp thu, hoàn thiện để có được dự thảo khả thi nhất trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2020 tới đây.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn