Đến dự và chủ trì Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Tham dự Hội nghị về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Bộ trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; đại diện Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thi đua Khen thưởng và Tuyên truyền.
Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu đến từ các đoàn ngoại giao, các đối tác phát triển, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống. Quốc hội Việt Nam đánh giá cao việc Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng hình thành Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp 2013, đồng thời đã xây dựng và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Quốc hội đã thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện Quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu; về đầu tư cho y tế, khoa học và công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững,… Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, gần đây là Tuyên bố Hà Nội tháng 3/2015 về “Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 - Biến lời nói thành Hành động” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững, sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu”.
Là các đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thường xuyên tiếp xúc với cử tri, nghe tiếng nói của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương mình, các nguồn lực bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…
Để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các mục tiêu phát triển bền vững là rất cần thiết. Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ hiến định của mình…
Phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Việt Nam luôn xác định phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu.
"Chúng tôi luôn phấn đấu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh; góp phần gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới".
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển toàn diện, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), tạo ra những thay đổi to lớn trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
“Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Thông tin đến các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, mới đây, tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF 2018), Chính phủ Việt Nam đã có Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để quán triệt các Bộ, ngành, cấp chính quyền thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất đúng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển”.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam tuy đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và dù còn trong thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Sức ép tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp đã dẫn tới không ít nơi chưa chú trọng đúng mức tới bảo vệ môi trường, tới các vấn đề xã hội.
Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, để bắt kịp các nước đi trước, Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội… Chính phủ Việt Nam xác định tập trung chỉ đạo triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó đặc biệt lưu ý đến các nội dung:
Một là, cần nghiên cứu, trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Luật pháp, chính sách cần thể hiện các nội dung cơ bản của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc;
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình, phong trào thi đua. Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của Pháp luật về phát triển bền vững;
Ba là, Ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau;
Năm là, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực sáng tạo quốc gia và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0;
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, nhất là trong kết nối hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững…
Nhận diện rõ những thách thức để có quyết sách cụ thể về phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, nhận định các thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 13 (SDG13) về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam có lợi thế là trong các chính sách ban hành, ngay từ đầu đều đã hết sức quan tâm đến phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển kinh tế đã luôn nhấn mạnh và khẳng định phải gắn với an sinh xã hội, các vấn đề môi trường. Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tích khi thực hiện các nhóm chỉ tiêu về phát triển bền vững này của Liên hợp quốc.
"Tuy nhiên, trong giai đoạn mới hiện nay, các chỉ tiêu phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức, bởi khi nói đến chỉ tiêu môi trường thì lấy chỉ số sử dụng năng lượng sạch hoặc đầu tư thân thiện với môi trường thì đương nhiên chi phí, giá thành đầu tư sản xuất phải tăng lên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết quốc tế, chuyển từ phương thức tự nguyện như từ trước đến nay sang phương thức bắt buộc và sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2021" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu lên thách thức lớn đối với Việt Nam, trong điều kiện tiếp tục phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, trong khi trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, mức tiêu hao năng lượng và tài nguyên còn lớn, nguồn lực còn hạn chế.
"Việt Nam phải giải quyết vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính do năng lượng tái tạo chưa phát triển (hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng sơ cấp), trong khi các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí…vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, ước tính điện từ than đến năm 2030 vẫn chiếm khoảng 50% trong cơ cấu điện năng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đề cập trách nhiệm của Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung đối với vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này đòi hỏi có nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng phải có phân biệt. Trong quá trình đàm phán biến đổi khí hậu và đặc biệt trước đây đàm phán liên quan đến các thỏa thuận khác về biến đổi khí hậu cũng như môi trường, thì nguyên tắc này phải được thể chế hóa; trong đó có phân biệt các nước mà chưa có nhiều trách nhiệm đối với vấn đề môi trường toàn cầu và những nước có trình độ phát triển ở mức ban đầu còn thấp và trong tương lai cần phải tiếp tục tăng trưởng cao để tạo ra quy mô nền kinh tế để phát triển bền vững.
Được biết, hiện nay chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Thực tế đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nguồn lực cho các nước đang phát triển ngày càng mờ nhạt so với trách nhiệm, nghĩa vụ đã được quy định tại Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris.
“Nhìn ở góc độ toàn cầu, hôm nay có ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU và ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, tôi cho rằng trong quá trình đàm phán, đây là vấn đề lớn, bởi nếu không làm rõ vấn đề này thì chúng ta sẽ mất đi lợi thế trong quá trình phát triển, dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Nên việc thể chế hóa trách nhiệm chung nhưng cũng cần phải có phân biệt và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Các bên đang rất tích cực trong đàm phán, nhưng hiện còn đang gặp phải nhiều khó khăn” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong tiến trình phát triển hiện nay, thực tế mô hình phát triển đã hoàn toàn thay đổi, chuyển từ sử dụng năng lượng đen sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Mô hình phát triển bền vững mới hiện nay được xác định là mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Mô hình này giải quyết một lúc các bài toán mà các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta cần tiếp cận và sớm triển khai, đó là trong quá trình phát triển cần phải thay đổi tư duy phát triển, hướng đến mô hình phát triển với sự thông minh mà người ta hay gọi là cuộc cách mạng 4.0, công nghệ số hóa, công nghệ vạn vật kết nối…
“Đây là vấn đề đòi hỏi các nước phải đi sớm một bước để xây dựng cho mình một năng lực, trong đó nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Nếu tiếp cận các mô hình mới này đồng thời chúng ta vừa giải quyết được bài toán về mặt dài hạn, trung hạn, bảo đảm lợi ích của đất nước cũng như lợi ích khu vực và thế giới; đồng thời sẽ mang giá trị bền vững và hiệu quả chung.
Nhưng trước mắt, với nguồn nhân lực, nguồn vốn còn hạn chế và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa có nhận thức đầy đủ như thực tế hiện nay thì vai trò của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chính là ở chỗ phải tận dụng được sự hỗ trợ quốc tế trong chuyển giao công nghệ, tri thức, bên cạnh đó chúng ta cần có ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực, có cơ chế tập trung đổi mới mô hình phát triển. Từ đó, sẽ khuyến khích để các doanh nghiệp có thể tiếp cận ngay với mô hình phát triển mới, tức là giải quyết bài toán trước mắt. Còn về trung hạn, đầu tư theo mô hình mới là rất khó hiệu quả vì nguồn vốn phải lớn. Về dài hạn thì cách thức dựa vào nền kinh tế xanh để đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tạo ra giá trị ngay trong quá trình bảo vệ môi trường, tạo ra công ăn việc làm và cần phải đổi mới ngay từ khâu nhận thức đầu tư sản xuất đến tiêu dùng và người tiêu dùng…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Để xây dựng được cụ thể hóa các mô hình đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam phải cụ thể hóa các chỉ tiêu để đánh giá, mà các chỉ tiêu đó không chỉ tập trung vào lĩnh vực môi trường mà còn phải tập trung vào nhóm chỉ tiêu tổng hợp. Trong đó, ngay đầu vào của nền sản xuất thì cần phải được tính đến, không phải lồng ghép; mà đầu tư cho môi trường, cho phúc lợi xã hội phải được tính toán ngay từ khâu lập dự toán ban đầu.
“Phải có các bộ chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Các bộ chỉ tiêu này phải được đưa vào thống kê quốc gia để theo dõi và đánh giá. Hiện nay, Liên hợp quốc và Việt Nam đã có một nhóm chỉ tiêu đánh giá trên các chỉ số đã đề ra. Nhưng việc làm sao để nhóm chỉ tiêu này được “Việt Nam hóa” một cách cụ thể hơn, có thể đánh giá, phù hợp với hệ thống chúng ta là điều hết sức cần thiết. Vì nếu không cụ thể hóa các chỉ tiêu và đưa vào trong hệ thống thống kê quốc gia thì trên thực tế các Đại biểu Quốc hội cũng không thể nào theo dõi, kiểm tra và đánh giá được. Nên tham khảo những phương pháp các nước đã làm, chúng ta cần hiện thực hóa lập thành các nhóm chỉ số đánh giá và trên cơ sở đó giao cho các hệ thống cơ quan quản lý” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Hội nghị về các bên tham gia công ước biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) vừa diễn ra tại Ba Lan cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nồng độ phát thải nhà kính trong năm qua trên thế giới vẫn đang tăng và chỉ tiêu đặt ra để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ là một thách thức toàn cầu rất lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang chứng kiến tác động biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Từ đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần nhanh chóng hiện thực hóa các chiến lược, chủ trương, chính sách và kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện SDG13 mà Đảng, Nhà nước ta đã ban hành; phải tăng cường vai trò phân bổ nguồn lực quốc gia theo các thứ tự ưu tiên nhằm chủ động về nguồn lực trong thực hiện những đóng góp do Việt Nam đã cam kết theo Thỏa thuận Paris. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và ban hành cơ chế huy động nguồn lực bao gồm cả nguồn tài chính từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó tập trung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp.
Việt Hùng - Lan Anh
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TNMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn