Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã đến dự và đưa tin về Hội thảo.
Lấy ý kiến Báo cáo Quản trị cho An ninh nước ở Việt Nam
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu về các khuyến nghị ban đầu và các đề xuất hành động của nghiên cứu “Quản trị cho An ninh nước ở Việt Nam: Phân tích Hiện trạng và các Phương án” để Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị Báo cáo cuối cùng trước khi vào giai đoạn hai - giai đoạn hình thành các chính sách và lộ trình thực hiện.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, việc bảo đảm an ninh nguồn nước đã trở thành chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực và và cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.
Theo Thứ trưởng, với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830- 840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Công. Mặc dù đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế trong đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.
Trong phạm vi quốc gia, nguồn nước, hệ thống sông ngòi là nơi gánh chịu những ảnh hưởng rõ nét nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khi mà nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng nhưng việc bảo vệ nguồn nước, triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm lại chưa được chú trọng; nguồn sinh kế truyền thống và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu đã bị giảm sút, thậm chí là biến mất ở nhiều nơi; các tranh chấp trong việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước trong lưu vực sông một cách công bằng, hợp lý giữa các địa phương, các bên liên quan trở thành một thách thức đối với an ninh nguồn nước.
Thứ trưởng cũng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ an ninh nguồn nước trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, Việt Nam cần phải tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước; tiếp cận nhiều phương pháp, cách quản lý mới để quản lý tốt nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh Báo cáo Quản trị cho An ninh nước ở Việt nam do các chuyên gia của Ngân hàng thế giới xây dựng nhằm phân tích tình hình quản trị ngành nước ở thời điểm hiện tại và qua đó đánh giá được mức độ mà công tác quản tri ̣hiện tại có thể bảo đảm được an ninh nguồn nước trong trung và dài hạn..”- Thứ trưởng phát biểu.
Ông Riachard Damania - Chuyên gia cao cấp về kinh tế của WB cho biết: Thách thức lớn thứ nhất mang tính chất toàn cầu là thách thức về nước, chúng ta phải xem xét tăng trưởng dân số, đối sánh với mức độ nước chúng ta đang có. Trên thế giới ngày càng có sự thiếu hụt về nước, nhu cầu sử dụng nước đang tăng so với nguồn cung về nước. Tính khan hiếm về nước ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương. Thách thức lớn thứ 2 là BĐKH, hầu hết những tác động của BĐKH đang diễn ra thông qua hình thức về nước. Sự cạn kiệt nước ở khu vực sông hồ là những tác động khác nhau về mặt nguồn nước.
Ông Abedalrasq Khalil - Chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước của WB cũng cho rằng, những căng thẳng về nước sẽ tăng hơn nữa, nhu cầu về nước sẽ tăng lên ở hầu hết các lưu vực của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương cũng như gặp nhiều rủi ro giữa mùa cạn và mùa lũ so với các nước láng giềng. Hiện nay, năng lượng dự trữ của Việt Nam thấp. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục và BĐKH làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Góp ý kiến tại Hội thảo về nghiên cứu “Quản trị cho An ninh nước ở Việt Nam: Phân tích Hiện trạng và các Phương án”, đa số các đại biểu cũng nhất trí cho rằng đây là một nghiên cứu rất cần thiết nhằm phân tích tình hình quản trị hiện tại trong ngành nước Việt Nam để để đánh giá mức độ mà quản trị hiện tại có thể bảo đảm được an ninh ngành nước trong trung và dài hạn.
Theo đó, để hoàn chỉnh nội dung nghiên cứu, một số đại biểu cũng đề nghị nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu cần đánh giá sâu hơn các dịch vụ nước cho ngành nông nghiệp cả về thể chế cũng như đặc thù của các hộ dùng nước. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ hơn về vấn đề quản trị nước dưới đất, tác động của biến đối khí hậu đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội;…
Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất
Tại Hội thảo cũng lấy ý kiến của các ngành, địa phương về Dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Phát biểu tại Hội thảo về nội dung này, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, nhằm tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998. Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Quy định này ngoài việc quy định các biện pháp bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò khai thác nước dưới đất còn quy định cụ thể các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất.
Tuy nhiên, kể từ khi được ban hành, đến nay mới chỉ có số ít địa phương đã ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên… còn lại đa phần các địa phương chưa ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Ngoài ra, do chưa có những quy định cụ thể về việc áp dụng từng biện pháp hạn chế khai thác phù hợp cho từng vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được khoanh định, nên nhiều địa phương đã khoanh định và quy định các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp để yêu cầu dừng khai thác, trám lấp các giếng hiện đang khai thác của các tổ chức, cá nhân; hạn chế quyền khai thác tài nguyên nước hợp pháp để bảo hộ độc quyền của các Công ty cấp nước.
“Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (năm 2012), theo đó đã sửa đổi bổ sung toàn diện và thay thế Luật tài nguyên nước năm 1998. Luật tài nguyên nước mới đã quy định cụ thể nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng, nhất là quy định về thăm dò, khai thác nước dưới đất, hạn chế khai thác nước dưới đất. Do vậy, để triển khai hiệu quả các quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới đất, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước dưới đất, tăng cường các biện pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất thì việc ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất là hết sức cần thiết” - Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi các ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó tập trung vào việc góp ý các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo Thứ trưởng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đưa ra các đề xuất cải cách quản trị nước ở Việt Nam một cách thành công. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu và tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu về Dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn