Theo Quyết định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 100%), trong đó đơn giản hóa 10 TTHC liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và bãi bỏ 03 TTHC liên quan đến xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (gọi tắt là các chất HCFC). Quyết định cũng nêu rõ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án, Bộ có thể mở rộng phạm vi, đối tượng cắt giảm, đơn giản hóa so với phương án được công bố.
Thực hiện phương án được công bố, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ không xác nhận khối lượng đăng ký nhập khẩu các chất HCFC trên hạn ngạch nhập khẩu quy định tại Thông tư số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo đó, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu các chất HCFC cho Bộ Công thương để xem xét, cấp phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu các chất này theo đúng hạn ngạch quy định của Nghị định thư Montreal. Các doanh nghiệp không phải gửi và xin xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Đơn đăng ký nhập khẩu các chất HCFC như hiện tại.
Việc cắt giảm các hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành này của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do bộ, một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Việc cắt giảm hàng hóa, sản phẩm và bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Để thực thi phương án được công bố, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức triển khai ngay việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi phương án được Bộ phê duyệt; đảm bảo cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm và đơn giản hóa TTHC phải thực chất, tạo thuận lợi và không làm phát sinh các quy định làm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ có 04 văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung để thực thi phương án tại Quyết định số 1588/QĐ-BTNMT, bao gồm: (1) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; (2) Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 09/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; (3) Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30/12/2011 Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; (4) Thông tư liên tịch số 178/2015/TTLT- BTC-BNNPTNT-BTNMT-BYT ngày 12/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì rà soát, đề xuất phương án và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm và đơn giản hóa TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn