Tham dự Lễ ký kết về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Hà Nội. Về phía Bộ Giao thông vận tải có các Thứ trưởng: Nguyễn Nhật, Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Hà Nội.
Chương trình ký kết nhằm mục đích tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và trong quá trình thẩm định, phê duyệt, thực hiện đầu tư các dự án của ngành giao thông vận tải.
Đồng thời phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Giao thông vận tải nhằm quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.
Cũng theo chương trình ký kết, hai bên thống nhất việc phối hợp giữa hai Bộ phải đảm bảo tính thường xuyên, chủ động và kịp thời; phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi bên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình phối hợp công tác phải được hai Bộ cụ thể hóa bằng các kế hoạch và chỉ đạo thường xuyên; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả…
Chương trình quy định việc phối hợp giữa hai Bộ trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước; việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ; công tác thanh tra, kiểm tra và các nội dung chuyên môn khác có liên quan; xây dựng, nâng cao năng lực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hai Bộ giai đoạn 2018 – 2021...
Theo chương trình hợp tác hai Bộ trưởng đã ký kết, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp toàn diện trên các lĩnh vực như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ; Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, dự án; Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực có liên quan của hai Bộ; Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hầu hết các dự án, công trình của Bộ Giao thông vận tải đều có tác động đến môi trường. “Đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, chúng tôi đều nhận được sự phối hợp giúp đỡ hết sức nhiệt tình, có hiệu quả của lãnh đạo Bộ cũng như của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sự ủng hộ của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường góp phần hết sức quan trọng cho Bộ Giao thông vận tải hoàn thành nhiệm vụ.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai các dự án, các cơ quan của ngành giao thông luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thu hồi đất đai. Có thể kể đến dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Trong một thời gian hết sức ngắn, đã vừa giải phóng mặt bằng, vừa triển khai, hoàn thành dự án…Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu không có sự ủng hộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường thì rất khó để hoàn thành khối lượng công việc đã đề ra.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, các lĩnh vực khác như: Giao thông đường bộ, Hàng hải, Hàng không… đều có tác động rất lớn đến môi trường. Và những thông tin về biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, đánh giá tác động môi trường… là những điều kiện quan trọng để ngành Giao thông vận tải áp dụng vào phát triển ngành giao thông vận tải nói chung và từng dự án cụ thể nói riêng.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chúng tôi trân trọng cám ơn sự hợp tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường và rất mong tiếp tục nhận được sự hợp tác toàn diện, sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương. Chúng tôi luôn tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện tốt chương trình hợp tác mà hai bộ ký kết ngày hôm nay để hai Bộ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Đồng quan điểm với người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng sự kiện ký kết hợp tác của hai Bộ ngay trong những ngày đầu năm, những tháng đầu năm đã thể hiện mối quan hệ hết sức tự nhiên và đặc biệt giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải. Đây cũng chính là nhu cầu thực tiễn để hai Bộ cùng đồng hành và góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong bối cảnh mới, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn và sự cạnh tranh sắp tới trong các Hiệp định thương mai tự do cũng như các Hiệp định về Biến đổi khí hậu… cũng sẽ có tác động đến ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như ngành Giao thông vận tải từ trên đất liền đến dưới sông ngòi và ra biển cả.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các thành tựu của ngành Giao thông vận tải đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, giúp kết nối giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. “Và sự phát triển của ngành Giao thông vận tải cũng là động lực quan trọng để đưa các tài nguyên của đất nước phát triển với một giá trị gia tăng cao hơn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bên cạnh đó, hầu hết các phương tiện giao thông đều phát thải khí CO2, rồi các dự án giao thông vận tải đều sử dụng đất đai và có tác động đến tài nguyên, đa dạng sinh học… vì vậy theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà nếu hai bên cùng nhau bàn bạc, cùng nhau tìm ra các giải pháp tốt nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như của ngành Giao thông vận tải để chúng ta luôn có các dự án, công trình xanh, luôn có các dự án giao thông kinh tế các bon thấp...
Và theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh việc quản lý toàn diện tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… thì một số lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường như khí tượng thủy văn, đánh giá tác động môi trường… cũng là dịch vụ cho ngành Giao thông vận tải từ khi ý tưởng hình thành các dự án, các công trình đến khi các dự án hoàn thành được chứng minh đó là các dự án giao thông vận tải mang tính bền vững, dự án xanh, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đề cập đến các nội dung hai bên vừa ký kết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đó là điều mà hai Bộ đang hướng đến không chỉ trong hợp tác hai Bộ mà cả trong tư duy phát triển một cách toàn diện mà hai ngành đang hướng đến.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị cùng với thỏa thuận vừa ký kết, hai ngành sẽ triển khai sự hợp tác đến các Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông vận tải ở các địa phương. “Chỉ khi sự hợp tác được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tôi nghĩ sự hợp tác của chúng ta mới đạt được hiệu quả cao hơn…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai làm đầu mối thực hiện Chương trình phối hợp toàn diện trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký kết với Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn 2018 - 2021.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn