Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2197/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-BTNMT ngày 26/01/2021 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập phát huy vai trò và tích cực tham gia, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định; chủ động rà soát, có ý kiến để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất, không chồng chéo giữa dự thảo Nghị định với các quy định có liên quan của ngành, lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng cũng đề nghị, các thành viên đưa ra các ý kiến đóng góp để thống nhất chung về cách thức, kế hoạch và phân công công việc để đạt được hiệu quả cao.
Đối với việc xây dựng và hoàn thiện nội dung Nghị định, Bộ trưởng đề nghị cần bám sát vào những vấn đề Luật quy định; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các chính sách pháp luật khác; hạn chế các văn bản dưới Nghị định để tránh phát sinh các thủ tục hành chính…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng cho biết, để kịp thời ban hành Nghị định quy định chi tiết một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, ngày 09/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 413/QĐ-BTNMT về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường và phân công cụ thể các đơn vị có liên quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chuyên gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng nội dung dự thảo Nghị định để báo cáo Ban soạn thảo.
Để xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã chủ động rà soát dự thảo Nghị định với các quy định có liên quan của ngành, lĩnh vực quản lý.
Tại Hội nghị lần này, các thành viên đã thống nhất việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, khả thi, phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí...
Bên cạnh đó, việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường phải được quản lý theo hướng chủ động, trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý quá trình với quản lý “cuối đường ống” theo từng nhóm, loại hình tác động và mức độ rủi ro môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian cho các đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; lồng ghép các thủ tục hành chính có liên quan; đảm bảo sự đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường phân cấp cho địa phương; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Để việc xây dựng Dự thảo Nghị định có hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị bổ sung thêm các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập từ các tổ chức, hiệp hội ngành nghề khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng bị ảnh hưởng của tác động môi trường để khi văn bản được đưa ra sẽ giải quyết được những xung đột và có đầy đủ ý kiến đóng góp khách quan.
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức thêm các hội thảo khoa học bàn về những chính sách lớn, những nội dung có sự ảnh hưởng lớn tới các thành phần trong xã hội; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường của một số nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)