Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ yêu cầucác Bộ, ngành cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Thời gian qua, Bộ TN&MT là một trong những Bộ tích cực, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
* Cắt giảm hơn 60% điều kiện đầu tư kinh doanh
Liên quan tới việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ngày 5/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nghị định này đã sửa đổi 11 nghị định có liên quan thuộc 06 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.
Trong Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 62,6% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực TN&MT), trong đố bãi bỏ 77 điều kiện; sửa đổi 25 điều kiện; đồng thời Nghị định cũng bãi bỏ, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính có liên quan.
Cụ thể: Lĩnh vực đất đai: 17 điều kiện (bãi bỏ 08 điều kiện, sửa đổi 09 điều kiện); Lĩnh vực môi trường:48 điều kiện (bãi bỏ43 điều kiện; sửa đổi 05 điều kiện), bãi bỏ 08 thủ tục hành chính; Lĩnh vực khoáng sản: 07 điều kiện (bãi bỏ 05 điều kiện; sửa đổi 02 điều kiện; Lĩnh vực tài nguyên nước: 28 điều kiện (bãi bỏ 21 điều kiện; sửa đổi 07 điều kiện), bãi bỏ 01 thủ tục hành chính; Lĩnh vực khí tượng thủy văn: sửa đổi 01 điều kiện
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ (12,6%).
Đáng chú ý là Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, như vậy hơn 62% điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực TN&MT chính thức được cắt giảm kể từ ngày 5/10/2018.
* Cắt giảm hơn 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành
Trước đó, ngày 14/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thông tư này đã sửa đổi, bãi bỏ một số các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của 03 Thông tư thuộc lĩnh vực môi trường (liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), biến đổi khí hậu (liên quan đến xuất, nhập khẩu các chất HCFC) và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.
Ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức bãi bỏ 51,3% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT, đồng thời bãi bỏ và đơn giản hóa 10/10 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.
Bên cạnh cắt giảm danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kịp thời ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu, thông quan các hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Để ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sửa đổi 14 văn bản quy phạm pháp luật (11 nghị định và 03 thông tư) có liên quan để chính thức pháp lý hóa các cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực TN&MT.
Như vậy là Bộ TN&MT đã hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ qua đó tháo gỡ những vướng mắc trong 2 công việc này, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và không làm phát sinh các quy định làm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn