Tại cuộc họp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng Ban soạn thảo đã trình bày báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định cũng như quá trình xây dựng dự thảo Nghị định.
Triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ năm 2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức rà soát, đánh giá các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước và đề xuất đơn giản hóa các điều kiện này nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngày 14/10/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn 5724/BTNMT-PC gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo kết quả rà soát và đề xuất đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ đã kiến nghị, bãi bỏ và đơn giản hóa 76/163 điều kiện kinh doanh đầu tư thuộc 18 ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, tương đương với 46,64%.
Thực hiện Nghị quyết 01 ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 yêu cầu các Bộ ngành phải cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá và đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa theo chỉ đạo. Theo đó, Bộ đã tập trung, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý và dự kiến bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư, kinh doanh (60%, cao hơn đề xuất năm 2017 là 14 %). Trong đó bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện và bãi bỏ 10 thủ tục hành chính.
Trên cơ sở này, Bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường với 14 Điều, dựa trên nguyên tắc và quan điểm sau:
Thứ nhất, việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường phải đảm bảo phù hợp, đồng bộ và thống nhất với quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư 2014.
Thứ hai, phải thực chất, không bãi bỏ, sửa đổi hoặc đơn giản hóa cơ học, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; không cắt giảm, bãi bỏ điều kiện bổ sung vào điều kiện khác.
Thứ ba, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh phải gắn với công tác cải cách hành chính đặc biệt công tác cải cách thể chế và thủ tục hành chính; đảm bảo tỉnh khả thi để thực hiện từ trung ương tới địa phương.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định gồm:
- Bãi bỏ, sửa đổi 17 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực đất đai bao gồm: (1) bãi bỏ các điều kiện về trang thiết bị và công nghệ; yêu cầu cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức; (2) giảm yêu cầu số lượng tối thiểu cá nhân trong tổ chức để đảm nhiệm vụ trí công tác; (3) giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm công tác.
Bãi bỏ, sửa đổi 42 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, bao gồm bãi bỏ các điều kiện về (1) cấp chứng chỉ đào tạo, tư vấn về quản lý chất thải nguy hại, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ...; (2) bãi bỏ cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và các điều kiện về kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm; (3) bãi bỏ yêu cầu người đứng đầu trong tổ chức, doanh nghiệp phải có trình độ; (4) bãi bỏ yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở làm việc và (5) giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm công tác.
- Bãi bỏ, sửa đổi bãi bỏ 08 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, bao gồm: bãi bỏ (1) yêu cầu về thời gian kinh nghiệm công tác; (2) số lượng tham gia dự án, công trình; (3) điều kiện về thiết bị, công cụ; (4) bỏ yêu cầu đề án phù hợp với quy hoạch và giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm công tác.
- Bãi bỏ, sửa đổi bãi bỏ 27 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, bao gồm: bãi bỏ (1) yêu cầu phải có chứng nhận qua khóa tập huấn; (2) yêu cầu người phụ trách trong doanh nghiệp phải được đóng bảo hiểm; (3) yêu cầu về thời gian kinh nghiệm công tác và số lượng tham đã tham gia các dự án; (4) điều kiện về thiết bị, máy móc và sửa đổi: (1) giảm yêu cầu cá nhân đã tham gia số lượng công trình; (2) không ấn định số lượng cán bộ của tổ chức, doanh nghiệp.
- Bãi bỏ, sửa đổi 05 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ theo, bao gồm: bãi bỏ (1) yêu cầu cá nhân có hợp đồng lao động phải đóng bảo hiểm; (2) yêu cầu cá nhân phải thông thạo ngôn ngữ và sửa đổi: (1) giảm thời gian kinh nghiệm công tác; (2) giảm số lượng người tham gia trong tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định 01 Điều về hiệu lực của văn bản có hiệu lực kể từ ngày ký và 01 Điều về trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi 12 Nghị định của Chính phủ, tập trung bãi bỏ và sửa đổi các điều kiện kinh doanh (6 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ) về yêu cầu phải có chứng chỉ đào tạo hoặc cấp giấy phép (môi trường, tài nguyên nước); yêu cầu phải có số lượng nhân sự trong tổ chức, doanh nghiệp để đảm nhận vị trí công tác; yêu cầu kinh nghiệm công tác hoặc người đứng đầu tổ chức phải có trình độ nhất định,…
Trong dự thảo Nghị định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bãi bỏ một số nội dung (Điều 10 và Điều 18) của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 01/11/2009 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo hướng bãi bỏ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm cũng như thủ tục hành chính về cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý do vì ngành nghề kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều Bộ. Trong khi đó Bộ Giao thông vận tải đang được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh này. Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chỉnh sửa Nghị định 104/NĐ-CP, để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định đã tập trung trao đổi về nội dung Dự thảo Nghị định và một số điều kiện cắt giảm ở từng lĩnh vực cụ thể của ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực rà soát, cắt giảm và bãi bỏ nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết. Song việc cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện phải đảm bảo trên cơ sở thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đồng thời phải đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước của các lĩnh vực.
Thứ trưởng yêu cầu, Vụ Pháp chế tiếp thu ý kiến các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập về một số nội dung của dự thảo. Các Tổng cục, cục trực thuộc Bộ tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh của từng lĩnh vực, trong đó cần nêu rõ lý do việc đơn giản hóa, bãi bỏ, cắt giảm, gửi Vụ pháp chế tổng hợp. Vụ Pháp chế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định để đảm bảo trình Chính phủ đúng thời gian quy định.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn