Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại buổi họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2018; Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2018; Nhận định và cảnh báo tình hình thiên tai năm 2018; và Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV.
Chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành
Trong quý I, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quán triệt chỉ đạo triển khai các nghị quyết, kết luận Đảng, Quốc hội; thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tinh thần hành động, sáng tạo, hiệu quả đã được phát huy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, cải cách thủ tục hành chính, đến công tác thanh tra, kiểm tra...; kỷ cương hành chính đã có chuyển biến rõ nét.
Quý I đã triển khai nhiều hội nghị quan trọng về công tác thanh tra, lấy ý kiến về những định hướng lớn trong sửa đổi các Luật đất đai, môi trường; phổ biến tuyên truyền chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; Hội nghị về công tác quản lý đất đai, giải quyết sắp xếp đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, qua đó đã quán triệt chỉ đạo các địa phương trong công tác tổ chức thi hành. Chỉ đạo quyết liệt công tác giải quyết kiến nghị của các địa phương, người dân, doanh nghiệp gửi đến Bộ; đặc biệt là đã kịp thời trong phản ứng chính sách; phân tích, dự báo, đề xuất kịp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2017) cho thấy các lĩnh vực quản lý của Bộ đã có những cải thiện đáng kể cần tiếp tục phát huy, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai: tỷ lệ người dân phải đưa hối lộ khi làm GCNQSDĐ giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017; tỷ lệ người dân cho biết có điều kiện tiếp cận bộ phận 1 cửa cấp GCNQSDĐ tăng từ 79% năm 2016 lên 86% năm 2017; tỷ lệ người dân phản ánh bị thu hồi đất trái pháp luật giảm từ 9% năm 2016 xuống 7% năm 2017 v.v. Đó là những kết quả tích cực cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của Bộ đã tạo được sự chuyển biến trong toàn ngành.
Trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật: trong Quý I năm 2018, Bộ chỉ đạo tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu vào cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa, Bộ đã hoàn thiện lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, VCCI và doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh chiếm khoảng 60% (bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện, bãi bỏ 10 thủ tục hành chính), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6. Bộ cũng rà soát danh mục các sản phẩm phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với 74 danh mục hàng hóa, dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 38 hàng hóa, sản phẩm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa còn lại. Trong quý I, Bộ tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 82 TTHC, trong đó có 67 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4; triển khai 11 TTHC dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia. Bộ đang xây dựng Bộ Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tập trung đánh giá đề xuất các giải pháp để ngành chủ động cung cấp hạ tầng và tân dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Trong quý I, Bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn và triển khai công tác thanh tra năm 2018 của ngành trong đó tập trung vào vấn đề lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường,... Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vụ việc Thủ tướng giao; xử lý giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phản ánh qua đường dây nóng và Cổng thông tin điện tử của Bộ...
Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm
Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm về: Công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh về lĩnh vực môi trường; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra; vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Xuân Sơn (Ba Vì, Hà Nội); vấn đề tích tụ tập trung đất đai, vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng condotel; vấn đề Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị; công tác dự báo cảnh báo thiên tai;…
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng trực tiếp trao đổi thêm về một số vấn đề các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm.
Về vấn đề xem xét đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trong thời gian qua, Bộ nhận được nhiều đề xuất, góp ý kịp thời và thường xuyên về cải thiện môi trường kinh doanh từ các doanh nghiệp, báo chí,… thông qua nhiều kênh khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất cắt giảm hơn 60% các thủ tục về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
“Bản thân tôi từng dự Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tại đây, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị về cắt giảm các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những căn cứ để Bộ bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn, sản xuất…” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên chia sẻ.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao kênh thông tin từ các nhà báo. “Nếu các quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp và có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp thì đề nghị các nhà báo tiếp tục thông tin, phản ánh về Bộ để kịp thời xem xét, điều chỉnh.” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.
Về câu hỏi liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn, Thứ trưởng cho biết, Đề án Chính phủ “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì cùng các đơn vị trong và ngoài Bộ tiến hành thực hiện, sau 2 năm đầu triển khai, bản đồ về cảnh báo nguy cơ trượt đất đá tỷ lệ 1:100.000 đã được hoàn thành và bàn giao cho địa phương. Hiện nay, đã có những vùng trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và miền Trung được xây dựng bản đồ ở tỷ lệ 1:25.000 và nhiều khu vực đạt được tỷ lệ 1:10.000. Như vậy, các khu vực có nguy cơ trượt lở đã được khoanh định và cảnh báo. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị để bàn giao các tài liệu này kịp thời cho chính quyền các địa phương ở khu vực Tây Bắc và miền Trung để có số liệu triển khai công tác phòng tránh trượt lở đất, bão lũ, lũ ống, lũ quét. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo: “Hoàn thành đến đâu bàn giao đến đó, có địa điểm nào, khu vực nào thì bàn giao kịp thời đến Chính quyền, UBND các cấp để chủ động trong công tác phòng tránh.”
Đối với công tác thanh tra, Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định, lĩnh vực thanh tra chung và thanh tra chuyên ngành đều thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật về thanh tra, trong đó có nội dung công khai kết luận thanh tra. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo phục vụ tra cứu kết luận thanh tra được đăng tải trên các trang thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị chuyên ngành.
Liên quan đến công tác cán bộ, Thứ trưởng cho biết, việc quy hoạch lãnh đạo các cấp của các đơn vị trực thuộc Bộ từng giai đoạn được tiến hành rà soát cẩn trọng, lựa chọn các đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất. Thông tin về việc bổ nhiệm đồng chí Tạ Đình Thi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và giao nhiệm vụ Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam. Câu hỏi này đã được Thứ trưởng Trần Quý Kiên giải thích rất cặn kẽ, chân tình và thẳng thắn với các phóng viên tại cuộc họp báo. .
Đồng chí Tạ Đình Thi là một cán bộ được đào tạo bài bản, được quy hoạch vào nhiều vị trí và nhận được sự tín nhiệm cao của Ban chấp hành Đảng ủy, Ban cán sự Đảng. Trong sự cố Formosa năm 2014, Ban cán sự Đảng bộ Tài nguyên và Môi trường bị kỷ luật. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Kiên: “Với cá nhân đồng chí Tạ Đình Thi, dù tập thể Ban Cán sự Đảng bộ Tài nguyên - môi trường giai đoạn 2010-2016 bị kỷ luật, nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật cá nhân, đồng chí Thi lúc đó là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ không liên quan trực tiếp đến vụ Formosa nên không có hình thức kỷ luật riêng với đồng chí Thi".
Cũng trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban cán sự đã quyết định điều động đồng chí Tạ Đình Thi giữ chức Quyền Tổng cục trưởng để kịp thời chỉ đạo các hoạt động của lĩnh vực biển và hải đảo - một trong những lĩnh vực quan trọng của ngành. Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, khi xem xét bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo với ông Tạ Đình Thi, Ban cán sự Đảng Bộ đã có trao đổi với các cơ quan trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, vì vậy, việc bổ nhiệm được thực hiện đúng trình tự, chặt chẽ.
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận cho căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng condotel, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan đến phát triển và quản lý các công trình condotel, officetel và biệt thự nghỉ dưỡng. Để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất về chính sách, các Bộ, ngành chủ trì sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến đầu tư, kinh doanh gồm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản, nhà ở; cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến các loại hình bất động sản condotel, officetel có cơ sở pháp lý, pháp luật để triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, trên cơ sở sơ kết quả thực hiện 5 năm Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Bộ sẽ tiếp thu, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi và sẽ có các điều khoản liên quan đến các loại hình bất động sản condotel.
Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng cho rằng, các câu hỏi của các phóng viên, báo chí hết sức chính xác. Thứ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị và đặc biệt là các đơn vị truyền thông của Bộ cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời các “biến động” liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cảm ơn sự đồng hành, hợp tác của các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cung cấp kịp thời đến bạn đọc và phản ánh lại cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị nắm bắt hơi thở cuộc sống, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng mong rằng, sự hợp tác, chia sẻ đó sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường để tạo nên mối quan hệ khăng khít, hai chiều giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với ngành Tài nguyên và Môi trường. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan báo chí hưởng ứng, tham gia và thông tin về Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV đến đông đảo các phóng viên báo chí quan tâm viết về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn