Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Thực hiện Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT ngày 01/8/2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Thông tư số 45/2014/TT- BTNMT ngày 01/8/2014 quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung theo quy định của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP gồm: tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; miễn nhiệm giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Hội đồng giám định và Hồ sơ giám định tư pháp. Việc tổ chức thực hiện công tác giám định tư pháp của Bộ được tổ chức thực hiện theo quy định.
Về đề xuất các nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới, theo dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; theo đó, một số quy định sẽ được sửa đổi hoặc bổ sung mới, do vậy, Vụ Pháp chế tham mưu, đề nghị Lãnh đạo Bộ cho phép được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT vào cuối năm 2020 (gộp 02 Thông tư thành 01 Thông tư) để quy định những nội dung chi tiết phù hợp với quy định của Luật sửa đổi này.
Tại cuộc họp, Vụ Pháp chế cũng đề xuất một số nội dung để triển khai hiệu quả công tác giám định tư pháp của Bộ như đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp và công bố tổ chức giám định theo vụ việc theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp; quy định về việc xác nhận chữ ký của người giám định tư pháp theo vụ việc...
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các đơn vị nhất trí với Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Luật giám định tư pháp; đồng thời trao đổi, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới nhằm triển khai thực hiện Luật giám định tư pháp được hiệu quả hơn, nhất là thành lập tổ chức giám định tư pháp; xây dựng cơ chế chính sách cho các hoạt động giám định tư pháp của Bộ…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận sự vào cuộc triển khai nhiệm vụ mới này của Vụ pháp chế và các đơn vị trực thuộc Bộ; đồng thời chia sẻ khó khăn của cán bộ làm công tác giám định tư pháp, Thứ trưởng cho rằng, hiện nay áp lực của công tác giám định tư pháp rất lớn, đặc biệt là hai lĩnh vực đang có nhiều vụ việc đó là đất đai; địa chất và khoáng sản.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị phải thực hiện theo đúng Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, Bộ và cơ quan ngang Bộ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì kịp thời đề xuất tháo gỡ. Từng lĩnh vực cần cố gắng triển khai thực hiện Luật cho tốt.
Đồng ý với đề xuất của Vụ Pháp chế, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát xây dựng 01 Thông tư sửa đổi bổ sung 02 Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT để quy định những nội dung chi tiết theo Luật Giám định tư pháp. Trong quá trình xây dựng cần bám sát, cập nhật các quy định theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sắp được Quốc hội thông qua.
Liên quan đến tổ chức thực hiện công tác giám định của Bộ, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các thành viên giám định theo vụ việc, bảo đảm các lĩnh vực trong Bộ đều có cán bộ tham gia giám định tư pháp, bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Luật Giám định tư pháp.
Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất thành lập Tổ chức giám định tư pháp của Bộ; thiết lập hệ thống danh sách các giám định viên tư pháp bảo đảm được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; có sự tham gia của cán bộ quản lý các lĩnh vực trong Bộ, cũng như các cán bộ đã nghỉ hưu có kinh nghiệm chuyên môn.
Về xác định chữ ký của người giám định tư pháp, thống nhất với đề xuất của Vụ Pháp chế, Thứ trưởng chỉ đạo trường hợp một vụ việc được trưng cầu và người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc một đơn vị thì việc xác nhận chữ ký sẽ do Thủ trưởng đơn vị đó ký xác nhận chữ ký của người giám định tư pháp. Trường hợp một vụ việc được trưng cầu và người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc nhiều đơn vị khác nhau thì việc xác nhận chữ ký sẽ do Chánh Văn phòng Bộ thực hiện.
Thứ trưởng đề nghị Vụ pháp chế bám sát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và tham khảo các bộ ngành để đề xuất triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn