Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu các nội dung chính của dự thảo Đề án “Tổng thể Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” như sau:
Tên Đề án: Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia
Mục tiêu của Đề án
Tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Phạm vi thực hiện Đề án
Thực hiện trên phạm vi cả nước đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Quản lý đất đai) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc).
Đề án kế thừa trang thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng đường truyền dữ liệu vận hành hệ thống thông tin đất đai; bộ cơ sở dữ liệu từ các dự án đã và đang thực hiện: (1) Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG); (2 ) Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Dự án VLAP); (3) Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương; (4) Đề án Tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực 05 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2019 - 2025; (5) Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; (6) Đề án Hoàn chỉnh việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới.
Nội dung của Đề án
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện: Rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (bao gồm: Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai của cả nước; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Cơ sở dữ liệu về khung giá đất, theo từng vùng; giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ sở dữ liệu về Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ và theo chuyên đề; quan trắc giám sát tài nguyên đất); Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ triển khai Chính quyền điện tử (05 cơ sở dữ liệu quốc gia); Xây dựng thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đất đai phục vụ phát triển đô thị thông minh gắn với mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai (tại địa bàn 05 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Lào Cai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh); Đầu tư bổ sung, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai; Đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.
Các địa phương tổ chức thực hiện: Rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy chế vận hành, khai thác, cập nhập, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai tại địa phương; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai (bao gồm: Cơ sở dữ liệu địa chính; Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu giá đất; Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai): Xây dựng, cập nhập quy chế vận hành, khai thác, cập nhập, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Đầu tư bổ sung, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai; Duy trì kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai trong nội bộ tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác, cập nhập cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối, chia sẻ với các Sở, ngành phục vụ chính quyền điện tử tại địa phương; Đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.
Thời gian thực hiện của Đề án
Đề án thực hiện trong 6 năm (2020 - 2025), trong đó: năm 2019 thực hiện xây dựng và phê duyệt Đề án.
Sản phẩm chủ yếu của Đề án
Các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về Cơ sở dữ liệu đất đai (được rà soát, cập nhật, bổ sung); Cơ sở dữ liệu đất đai tại trung ương và địa phương; Hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm thông tin đất đai tại trung ương và địa phương được bổ sung, nâng cấp; đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai; Kết quả kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ triển khai Chính quyền điện tử (05 cơ sở dữ liệu quốc gia); Kết quả thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đất đai phục vụ phát triển đô thị thông minh gắn với mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai (tại địa bàn 05 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Lào Cai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh); Báo cáo tổng kết Đề án, dự án tại trung ương và địa phương (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn