Cần thiết xây dựng Quyết định thay thế
Tính đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg đã và đang được áp dụng trong các đơn vị dự báo, cảnh báo thiên tai và các đơn vị truyền tin thiên tai, đáp ứng và phục vụ tốt cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên phạm vi cả nước.
Quyết định số 46 đã cụ thể hóa cho các loại hình thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin gồm: Áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, động đất, sóng thần và các loại hình thiên tai khác. Đây là cơ sở để Bộ TN&MT chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia xây dựng và ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) từ trung ương, đến Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh đều được quán triệt sâu sắc việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát các hiện tượng thiên tai, khi phát hiện hiện tượng thiên tai có khả năng xuất hiện, có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu vực Việt Nam, hệ thống dự báo, cảnh báo sẽ xây dựng và ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp các bản tin cho các bộ ngành, địa phương, cơ quan truyền thông với nội dung và tần suất theo đúng quy định của Quyết định số 46 và chủ động tăng cường tần suất ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khi hiện tượng thiên tai xảy ra ở mức độ khẩn cấp.
Kết hợp thực hiện Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đều được chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai làm cơ sở cho các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống thiên tai chủ động trong ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Sau khi Luật KTTV được Quốc Hội thông qua, trên cơ sở các quy định tại Quyết định số 46 và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã ban hành các thông tư quy định về loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo KTTV; Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường và điều kiện nguy hiểm; Thông tư đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV. Sau khi ban hành, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia đều nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo tính đồng bộ, góp phần nâng cao độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng chỉ đạo xây dựng các quy chế phân cấp dự báo và cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Trong đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí theo đúng quy định; Các Đài khí tượng thủy văn khu vực và đài tỉnh cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho Văn phòng tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh bằng các hình thức truyền tin nhanh nhất.
Đối với thiên tai động đất, sóng thần, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện tốt các quy định về dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần theo quy định tại Quyết định.
Về công tác truyền tin thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 46, cụ thể khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ thông tin được cập nhật sớm và phát sóng trong bản tin dự báo thời tiết, thời sự gần nhất, tần suất đưa tin thiên tai và cảnh báo thiên tai trên các kênh sóng của Đài và chạy chữ trên màn hình. Đặc biệt khi có bão khẩn cấp, liên tục phát tin bão 01 tiếng/ lần không kể ngày đêm. Ngoài ra còn phát các phim ngắn phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thuộc Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam với vai trò là đầu mối cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo từ Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện tốt các nhiệm vụ truyền phát các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nhanh chóng, chính xác, đủ nội dung, kịp thời, góp phần giảm thiểu mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai đối với phương tiện hoạt động trong khu vực biển Đông.
Có thể nói, Quyết định số 46 đã quy định chi tiết cho 5 trong số 19 loại hình thiên tai được quy định trong Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, song các loại thiên tai còn lại chỉ quy định dự báo, cảnh báo chung.
Trong khi đó, những năm trở lại đây, các loại hình thiên tai khác đang diễn ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn như mưa lớn, nắng nóng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn... hậu quả do các loại hình thiên tai này gây ra cũng không thua kém so với hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ, động đất, sóng thần gây ra và đòi hỏi phải có quy định về dự báo, cảnh báo cụ thể để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Các quy định về dự báo, cảnh báo các loại thiên tai được áp dụng trong Quyết định số 46 cũng cần có những thay đổi về nội dung và tần suất ban hành để đáp ứng nhu cầu của công tác phòng, chống thiên tai.
Quy định về nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, lũ còn nhiều điểm chưa hợp lý và thống nhất nên gây khó khăn khi truyền tải đến người dân cũng như các mốc thời gian quy định mùa lũ, mùa cạn và các quy định, quy trình khác cho các khu vực chưa thống nhất và phù hợp với thực tế, nhất là trong điều kiện thiên tai gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Việc phân cấp, quy định về nội dung và truyền phát tin cảnh báo, dự báo giữa các đơn vị làm công tác dự báo vẫn còn nhiều bất cập. Danh sách các vị trí dự báo do các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh thực hiện thông báo lũ cần được bổ sung, thống nhất lại.
Do vậy, cần có sự điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 46 cho phù hợp với Luật khí tượng thủy văn ban hành ngày 23/11/2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành sau năm 2014.
Đối với đơn vị truyền tin thiên tai, Quyết định số 46 quy định chi tiết cho các đơn vị truyền, phát tin thiên tai chính bao gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam và hệ thống báo động trực canh cảnh báo đa thiên tai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc truyền, phát tin theo quy định cũng gặp phải một số bất cập.
Nội dung Quyết định số 46 quy định “Khi phát tin về thiên tai, ngoài việc đọc nguyên văn bản tin, phải chạy hàng chữ trên màn hình tóm tắt những nội dung cơ bản của bản tin”. Điều này cũng không còn phù hợp vì các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai thường sử dụng các thuật ngữ chuyên môn khiến khán giả khó hiểu, không tạo được hiệu quả truyền thông.
Ngoài ra, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam quy định kênh tần số cố định như Quyết định số 46 sẽ khó thực hiện trong thực tế vì một số phương tiện ven biển, nội thủy không dùng thiết bị đầu cuối như hàng hải theo chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế dẫn đến không nhận được tin khi có thiên tai…
Để thực hiện quy định của Luật phòng, chống thiên tai, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, việc xây dựng Quyết định thay thế Quyết định số 46 trên cơ sở những quy định cũ và bổ sung những nội dung mới phù hợp với quy định của Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật khác là hết sức cần thiết.
Sửa đổi, bổ sung bao quát toàn bộ thiên tai
Trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về dự báo, cảnh báo, báo tin về thiên tai; đồng thời, bổ sung những quy định nhằm bao quát toàn bộ các loại thiên tai, các nội dung chính được đề xuất để sửa đổi, bổ sung trong Quyết định thay thế Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai như sau:
Đối với các đơn vị dự báo, cảnh báo, bản tin dự báo, cảnh báo bão/ATNĐ sẽ không còn quy định loại bản tin bão/ATNĐ gần bờ mà được thay thế bằng tin bão/ATNĐ khẩn cấp, trong đó điều kiện ban hành, nội dung bản tin sẽ thay đổi như tăng thời hạn dự báo đến 48 giờ và cảnh báo đến 72 giờ.
Các Tin thiên tai khác sẽ được quy định cụ thể trong Quyết định bao gồm: mưa lớn; ngập lụt; lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc do dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn. Nội dung bổ sung cho mỗi loại bản tin dự báo, cảnh báo đều được quy định chi tiết đối với điều kiện ban hành, nội dung bản tin và thời gian, tần suất phát tin dự báo, cảnh báo.
Bên cạnh đó, tăng số lượng vị trí các trạm thủy văn do các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh thông báo lũ nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao.
Đối với các đơn vị truyền tin thiên tai, giảm thời gian phát sóng khoảng 1 giờ so với quy định cũ đối với Đài Truyền hình Việt Nam, tuy nhiên vẫn đảm bảo thay đổi thời gian phát tin khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Bộ Tài nguyên và Môi trường và quy định đưa đầy đủ, chính xác nội dung thông tin về thiên tai và phải chạy hàng chữ trên màn hình tóm tắt những nội dung cơ bản của bản tin.
Ứng với mỗi loại hình thiên tai, mức độ rủi ro, phạm vi ảnh hưởng, đối tượng được cảnh báo, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ thực hiện truyền phát tin trên các phương thức, kênh tần số vô tuyến điện với tần suất thích hợp như truyền phát bằng điện thoại vô tuyến với tần suất 16 phiên/ 01 bản tin nguồn nhận được và truyền phát bằng điện văn vô tuyến với tần suất 02 phiên/ 01 bản tin nguồn nhận được. Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ phát liên tục trong ngày đến khi bản tin nguồn nhận được không còn hiệu lực.
Về phía các Bộ, ngành, bổ sung trách nhiệm của các đơn vị như Bộ Thông tin và Truyền thông (trong việc chỉ đạo doanh nghiệp thông tin di động), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (chỉ đạo công tác cung cấp thông tin thực tế), Đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố (xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai tại địa phương và khai thác sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai)… khẳng định tính cấp thiết, kịp thời đối với công tác phòng, chống thiên tai, đòi hỏi các tổ chức, các nhân phải có trách nhiệm hơn trong công tác phòng, chống thiên tai.
Như vậy, sau khi Quyết định thay thế Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, qua đó nâng cao năng lực cho ngành KTTV đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn