Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

(TG)-Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành kèm Hướng dẫn số 61-HD/BTGTW.
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

I. Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Hoàn cảnh ra đời

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa.

Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

- Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ1, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công"2.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
 

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5/1952). Ảnh internet
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5/1952). Ảnh internet

2. Ý nghĩa

- Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.

- Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế,Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

- Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg Về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.

II. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và sự vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, cùng đường lối và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rút ra một số điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như sau:

- Quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

- Mục đích thi đua yêu nước: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm”, để đem lại kết quả đầu tiên là:

“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”3.

- Nội dung thi đua yêu nước: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu:

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến”4.

- Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”5; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

- Phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

70 năm một chặng đường lịch sử, cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua

70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

.

- Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong từng giai đoạn cách mạng

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào: “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng,... đến phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp như: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (1/3/1950), thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” (2/1951), “thi đua đóng thuế nông nghiệp” (3/1953), ... Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ này đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975): Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết ngày 26/1/1961 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”, và nhất là từ khi miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... Các phong trào thi đua đã tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước: Đảng ta tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,... Và gần đây là cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua đã bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.
 

tuyen truyen 70 nam keu goi thi dua ai quoc 4
 

- Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách về công tác thi đua - khen thưởng

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành kịp thời đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt là trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 19/CT-TW, ngày 22/12/2007, Bộ Chính trị (khóa IX) Về việc kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/1/2018 của Ban Bí thư Về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013).

Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 06/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Bản quy định về đối tượng, tiêu chuẩn Anh hùng thời kỳ đổi mới và các danh hiệu thi đua khác; Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 19/12/2014 Về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai rộng lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các Anh hùng, chiến sỹ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội; công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học, kịp thời hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng.

Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 70 năm qua là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.

 

III. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới công tác khen thưởng trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

1. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng

- Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng: Phong trào thi đua và công tác khen thưởng phải nhằm động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, phải thực sự trở thành phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước và là động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân.

- Thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới công tác khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, bảo đảm thi đua được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tránh hình thức, phô trương. Nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.

2. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua

- Tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta; về yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

- Các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Thi đua, Khen thưởng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của bộ, ngành, địa phương.

Các ban và cơ quan của Đảng chú trọng đổi mới tổ chức các phong trào thi đua, hướng vào việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Đảng; nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo không khí thi đua thực sự trong các tổ chức đảng và đảng viên.

Phong trào thi đua của các bộ, ngành Trung ương tập trung hướng vào việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai lồng ghép các phong trào thi đua của Trung ương và địa phương gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường nông thôn.

Các doanh nghiệp với các phong trào thi đua khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng động sáng tạo tìm kiếm thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các cụm, khối thi đua, thông qua việc ký kết và thực hiện giao ước thi đua giữa các đơn vị trong từng cụm, khối, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hiệu quả, thiết thực của các thành viên trong từng cụm, khối thi đua.

 

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến

- Kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực; cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục duy trì các chuyên mục, chuyên trang, tăng cường thời lượng tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân được phong tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu về các phong trào thi đua ở địa phương và giới thiệu các điển hình tiên tiến; tổ chức thi viết về điển hình, gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, sáng tác ca khúc về thi đua, tạo ra không khí sôi nổi ở nhiều địa phương.

Ban Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thi đua yêu nước.

4. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng

- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức công tác thi đua, khen thưởng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Khắc phục bệnh thành tích, tính hình thức trong thi đua, khen thưởng.

- Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc xét khen thưởng.

- Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp, đủ tầm tham mưu cho các cấp ủy, người đứng đầu về công tác thi đua, khen thưởng.

BAN TUYÊN GIÁO TW – BAN THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TW

 


1 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000

2 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000

3,4,5 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000

 

 

Nguồn: http://www.tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay17,104
  • Tháng hiện tại178,876
  • Tổng lượt truy cập27,203,040
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây