Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc. Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Ngày 11-6 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Gần 70 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên nhân dân cả nước vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc diễn ra trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng diễn ra trong khu vực và thế giới, cũng như các tác động không thuận do biến đổi khí hậu toàn cầu. Ðể động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Tổ chức học tập, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
2- Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ban, bộ, ngành, địa phương. Các phong trào thi đua phải bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và chủ đề thi đua giai đoạn 2016 - 2020 là "Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Ðảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, kỹ thuật; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các phong trào thi đua của ban, bộ, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, chống hình thức, hướng vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
3- Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, đưa phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực to lớn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Ðổi mới công tác khen thưởng theo hướng công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời và quan tâm người lao động trực tiếp; khen thưởng phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua và có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong thi đua, khen thưởng.
4- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thiết thực, hiệu quả. Trong đó, coi trọng công tác nghiên cứu lý luận tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đánh giá kết quả tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Người trong từng giai đoạn cách mạng; biểu dương, tôn vinh, gặp mặt, giao lưu các điển hình, anh hùng, chiến sĩ thi đua qua các thời kỳ.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng đề cương tuyên truyền về 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Chỉ đạo hệ thống tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm, các phong trào thi đua yêu nước và các điển hình, mô hình mới, sáng tạo, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy gương "người tốt, việc tốt" để giáo dục, nêu gương, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân và trong xã hội.
6- Ban cán sự đảng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai thực hiện. Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ giúp Ban Bí thư đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn