Các quốc gia thượng lưu cũng đang đẩy nhanh các công việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; các hoạt động chuẩn bị triển khai các dự án chuyển nước dòng chính sông Mê Công.
Song, đối với hợp tác Mê Công, sau thời kỳ kiện toàn và sắp xếp lại tổ chức, Ủy hội đã ổn định triển khai thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho giai đoạn 2016- 2020 và đã đạt được những kết quả tốt, như đã xây dựng các Chiến lược ngành quan trọng.
Ủy hội cũng đã thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận cho Dự án công trình thủy điện Pắc-Beng của Lào; hoàn thành Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, gồm cả tác động các công trình thủy điện trên dòng chính; Tổ chức các Phiên họp thường niên cấp Hội đồng và Ủy ban Liên hợp của Ủy hội và Phiên đối thoại các quốc gia thượng nguồn. Các quốc gia cũng tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác Mê Công hướng tới hoàn toàn tự chủ vào năm 2030.
Cũng trong năm qua, nhiều hoạt động hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế về phát triển bền vững sông Mê Công đã được tổ chức ở trong nước và khu vực. Diễn đàn hợp tác Mê Công tổ chức tại Mi-an-ma về phát triển bền vững dựa trên liên kết 3 yêu tố là Nước-Năng lượng-Lương thực; Hội nghị Ngoại trưởng các nước tiểu vùng Mê Công về sáng kiến Hạ nguồn lưu vực sông Mê Công, các diễn đàn hợp tác quốc tế khác như hợp tác Á-Âu (ASEM). Cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương cũng đẩy mạnh xây dựng các chiến lược hợp tác về tài nguyên nước và hợp tác về bảo vệ môi trường, và gần đây là Hội nghị Thượng đỉnh về nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 3 tổ chức tại Mi-an-ma đã tiếp tục khẳng định cam kết của các Chính phủ về quyết tâm và thống nhất các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước định hướng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các sáng kiến hợp tác tiểu vùng như Mê Công-Hoa Kỳ, Mê Công-Lan Thương, Mê Công-Nhật Bản tiếp tục được thúc đẩy, trong đó hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước rất được coi trọng.
Trước tình hình gia tăng các hoạt động phát triển phía thượng nguồn sông Mê Công, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ giao Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chuẩn bị và triển khai thực hiện nghiên cứu tác động chi tiết của các phương án phát triển thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công và xây dựng các biện pháp ứng phó và chủ động đề xuất chủ trương, đối sách của Việt Nam. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định các định hướng và các giải pháp cho phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó có các nhiệm vụ liên quan đến chức năng trách nhiệm của Ủy ban.
Đối với hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tham mưu và điều phối của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, tập trung kiện toàn Ủy ban để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Theo đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đó là: Tổ chức thực hiện quy trình tham vấn cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc-Beng của Lào, đạt được Tuyên bố chung của Ủy hội về Dự án thủy điện Pắc-Beng, và hiện đang thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung. Phối hợp tham gia và góp ý cho Nghiên cứu chung của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, bao gồm cả tác động từ các dự án thủy điện dòng chính, kết thúc cuối năm 2017. Thúc đẩy và đóng góp cho công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế (tháng 4/2018 tại Siêm Riệp). Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế các đập thủy điện trên dòng chính, đánh giá tác động xuyên biên giới…
Ủy ban cũng đã đẩy nhanh thực hiện Dự án Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước Mê Công: hỗ trợ thành lập Uỷ ban lưu vực sông Sê San-Srê-pốc; chuẩn bị xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước và khí tượng thủy văn xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước và hệ thống mô hình toán và cơ sở dữ liệu lưu vực sông Sê San-Srê-pốc.
Có thể nói, năm qua, tình hình Lưu vực sông Mê Công tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao Đảng và Chính phủ qua rất nhiều chỉ đạo và phân công giao nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Sự gia tăng các hoạt động hợp tác vùng, quan tâm của các cộng đồng quốc tế, vùng và địa phương trước tình hình phát triển nhanh chóng trong Lưu vực cũng tạo nhiều thuận lợi trong các hoạt động tăng cường hợp tác Mê Công, tham vấn cộng đồng, kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật và tài chính…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng rất quan tâm công tác Mê Công trong chỉ đạo sát sao các hoạt động của cơ quan Văn phòng, ngoài các nhiệm vụ Lãnh đạo cấp cao Đảng và Chính phủ giao, trong chấn chỉnh định hướng hoạt động, công tác lập kế hoạch chiến lược dài hạn, khuyến khích tăng cường năng lực cơ quan Văn phòng, giao thêm nhiều nhiệm vụ hỗ trợ về quản lý tài nguyên nước …
Chính vì vậy, sau Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, cơ quan Văn phòng Thường trực đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật là chuyên gia có kiến thức kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực có liên quan (mô hình, quản lý quy hoạch tài nguyên nước, quan trắc giám sát viễn thám, môi trường sinh thái, phân tích kinh tế-xã hội, quản lý và dịch vụ thông tin số liệu…), cán bộ quản lý đề án/dự án làm nòng cốt cho các hoạt động tham mưu giúp Lãnh đạo và chuẩn bị triển khai các hoạt động nghiên cứu trong thời gian tới.
Xuân Phương
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn