Hội thảo là một trong những hoạt động giúp Chính phủ xây dựng định hướng, chiến lược và đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với bối cảnh hiện nay để tăng cường năng lực quản trị tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước trong thời gian tới. Đồng thời, Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực cho việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú với 3450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, phân bố ở 108 lưu vực sông. Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài với gần 2/3 lượng nước của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào.
Thực tế hiện nay cho thấy, nguồn tài nguyên nước và việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước đã, đang phải chịu nhiều sức ép lớn và đối mặt với một số vấn đề khó khăn và thách thức lớn. Nhu cầu về nước gia tăng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm về số lượng và chất lượng. Một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, đặc biệt là trong mùa khô. Việc cạnh tranh, mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước đã xảy ra và ngày càng gia tăng. Hoạt động khai thác tài nguyên nước phía thượng nguồn ở phạm vi ngoài Việt Nam phục vụ cho các mục đích phát triển năng lượng thủy điện, thủy lợi phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp… đã có những tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến quốc gia phía hạ nguồn, đặc biệt là vấn đề hạn hán, xâm nhập ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long những năm qua. Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, một số nơi tình trạng ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai – Sài Gòn.
Thời gian qua, Chính phủ nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng đã nhận thức rõ nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của quốc gia và là ưu tiên hàng đầu tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tới. Cùng với những chuyển biến về nhận thức, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc giải quyết các vấn đề tài nguyên nước đã được ban hành và triển khai thông qua những kế hoạch hành động và giải pháp thiết thực, cụ thể ở cả cấp trung ương cho đến địa phương. Song tác động biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng mạnh mẽ lại đặt ra thêm nhiều khó khăn và thách thức cho vấn đề quản lý bền vững tài nguyên nước của Việt Nam trong thời gian tới.
“Vì vậy, tại hội thảo này tôi mong muốn các đại biểu trao đổi, chia sẻ các ý tưởng hay, kinh nghiệm quý trong việc xác định vấn đề và các giải pháp giải quyết những vấn đề, những khó khăn và thách thức hiện nay và trong tương lai liên quan đến việc quản lý và khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các chủ đề chính như: những thách thức và cơ hội hiện nay trong quản lý tài nguyên nước; định hướng của Chính phủ trong xây dựng thể chế, chính sách quản lý tài nguyên nước; các giải pháp và công cụ quản lý tổng hợp, đa chiều sử dụng cho quản trị và quản lý tài nguyên nước…
Một trong những thách thức trong quản trị bền vững tài nguyên nước ở Việt Nam được các đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo đó là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn. Theo bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục. Mực nước biển dâng cao dẫn tới ngập lụt vùng ven biển; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển; gây xói lở, sa bồi làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven bờ; gia tăng ngập lụt vùng đồng bằng, hàng triệu ha vùng ven biển có thể bị chìm ngập, hàng trăm ha rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ bị tác động sâu sắc.
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thu Phương, ông Lê Hùng Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch Nông nghiệp (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai có diễn biến cực đoan và phức tạp. Cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước trên các hệ thống sông trong mùa kiệt đang làm suy giảm năng lực của hệ thống thủy lợi, nhất là các hệ thống xây dựng trong các giai đoạn trước; hạ thấp mực nước trên dòng chính các sông khiến một số trạm bơm, cống lấy nước lớn có khả năng phải dừng hoạt động dẫn đến phải bổ sung công trình thay thế làm tăng thêm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất.
Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng thế giới cho rằng, thách thức trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam là việc quản lý toàn bộ chu trình nước để đạt được lợi ích tối đa, đảm bảo chất lượng nước, quản lý mức độ rủi ro cao và gia tăng, đảm bảo đủ nước sạch cho vùng nông thôn cũng như hệ động, thực vật của Việt Nam. Theo ông Achim Fock, tài nguyên nước của Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá nhất nhưng không phải vô hạn. Vì vậy Việt Nam cần quản lý nước hợp nhất. Cụ thể, người dân, doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền trung ương và địa phương cần phối hợp để thu được những giá trị về nước tốt nhất trong suốt chu kỳ và bảo vệ tài nguyên nước cho thế hệ tương lai.
Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để tăng cường quản trị tài nguyên nước dưới đất cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ như: hoàn thiện chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ và huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế trong điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước. Và quan trọng là tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn