* Hồ chứa nào cũng thiếu hụt nước
Tổng thể trên cả 11 lưu vực sông, dung tích các hồ tích được (tính trên toàn lưu vực) chỉ vào khoảng từ 40 - 65% so với thiết kế, riêng 4 lưu vực Sê San, SrePok, Kôn, Đồng Nai, tỷ lệ các hồ ở tích được 82 - 96% so với thiết kế tùy từng hồ. Tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ so với yêu cầu vào đầu mùa cạn khoảng 3,5 tỷ m3, cụ thể: lưu vực sông Hồng (thiếu khoảng 1,38 tỷ), sông Mã (thiếu 490 triệu m3), sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn (thiếu khoảng 220 triệu m3), sông Trà Khúc (thiếu 80 triệu m3) và sông Ba (thiếu 145 triệu m3).
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 900 hệ thống thủy lợi loại vừa và lớn. Số lượng công trình của các hệ thống này rất lớn, khoảng hơn 6.000 hồ chứa nước. Cơ bản trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các hồ chứa đã tích đầy nước và đạt mực nước dâng bình thường (MNDBT) chiếm khoảng 20 - 30% tùy từng khu vực, khoảng 50 - 60% các hồ còn lại tích được khoảng trên 75% dung tích thiết kế.
Tuy nhiên, ở các vùng vẫn còn nhiều hồ vừa và lớn tích được lượng nước chưa đáng kể, tỷ lệ tích từ 6-51% tùy từng vùng, thậm chí có hồ chỉ tích được 6 - 9% dung tích thiết kế. Các hồ thiếu hụt nhiều so với dung tích thiết kế tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thừa - Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thấy rằng, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy ở các lưu vực như sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia, Kôn đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 60% tùy từng vùng. Các sông ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trên cơ sở nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và diễn biến dòng chảy đến, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du các lưu vực sông, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông thấy rằng nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra ở các lưu vực sông là rất lớn, đặc biệt là các vùng mà không nằm trong phạm vi điều tiết, cấp nước của các hồ chứa lớn, quan trọng trong các quy trình và phạm vi cấp nước của các hồ chứa thủy lợi.
* Cần có giải pháp linh hoạt
Các hồ chứa trên các lưu vực ngoài việc điều tiết lũ – hạn còn là phục vụ cho phát điện và cấp nước cho nông nghiệp. Bởi thế, việc điều hành các hồ chứa này cần linh hoạt để hài hòa các lợi ích.
Các hồ chứa thủy lợi chủ yếu phục vụ cấp nước cho nông nghiệp và việc xả nước chủ yếu dựa vào lịch thời vụ. Nếu sử dụng và điều tiết nguồn nước các hồ chứa này hợp lý, tiết kiệm cộng với việc không xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài trong vụ hè thu năm 2020, không xảy ra tình trạng xâm nhập mặn gay gắt và bố trí diện tích tưới hợp lý thì có thể đủ nước cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân và tránh được thiệt hại do thiếu nước của vụ Hè thu.
Việc điều tiết các hồ thủy điện phức tạp hơn. Bởi thế, từ đầu mùa cạn Bộ TN&MT đã có Văn bản đôn đốc các chủ hồ chứa (trên lưu vực sông Hồng) ưu tiên tích nước. Trong quá trình các hồ vận hành, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với Tập đoàn điện lực (EVN) và các Bộ, ngành để điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa và đã có các văn bản điều hành 5798/BTNMT-TNN điều chỉnh kịp thời việc vận hành, nhất là phục vụ cho thời kỳ sử dụng nước vụ Đông Xuân khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Bộ TN&MT chủ động tiếp tục cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc vận hành các hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn quan trọng khác, đặc biệt là các hồ chứa thiếu nước đầu mùa cạn. Tăng cường dự báo tài nguyên nước để phục vụ tố hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn