Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững
Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây và đã ảnh hưởng gay gắt đến nguồn nước của nước ta, điển hình là hiện tượng hán hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững như: bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh từ nước ngoài chảy vào (chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm của hệ thống sông nước ta); nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; chịu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đứng trước những thách thức nêu trên, việc quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) báo chí về vấn đề này.
PV: Trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, việc bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Cục Quản lý tài nguyên nước đã có những biện pháp gì để kiểm soát chặt chẽ quy trình sử dụng nước đa mục tiêu, thưa bà? Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước cộng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu,… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, trong đó có thể kể đến thách thức về khai thác, sử dụng nguồn nước chưa hợp lý, lãng phí. Nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến; chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, hiệu quả tài nguyên nước, nhất là huy động nguồn nước của hệ thống các hồ chứa trên các lưu vực sông (chủ yếu là các hồ chứa thủy điện và thủy lợi do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) tham gia điều tiết dòng chảy cho hạ du... Trước thực trạng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn trên các lưu vực sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srêpôk, Ba, Trà Khúc, Kôn và sông Đồng Nai với nhiệm vụ bảo đảm cắt giảm lũ và cấp nước cho hạ du được ưu tiên hàng đầu. Việc ban hành kịp thời các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. PV: Xin bà cho biết hiệu quả thực tiễn của các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trong thời gian qua? Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Trong các năm qua, việc vận hành các hồ chứa theo các quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Các hồ chứa đã tham gia vận hành, điều tiết, bổ sung một lượng nước tương đối lớn cho hạ du, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước cấp nước cho các ngành sử dụng nước, giảm thiểu khá lớn hiệt hại do hạn hán gây ra. Về cơ bản các địa phương ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn nằm trong các quy trình vận hành liên hồ chứa không xảy ra tình trạng thiếu nước. Việc thiếu nước chủ yếu xảy ra ở phía thượng lưu các sông, suối không có các hồ chứa lớn điều tiết, những hồ chứa thủy lợi nhỏ hoặc ở khu vực không có các công trình điều tiết, cấp nước. Kể từ khi 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã chỉ đạo đơn vị có chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo quy trình thông qua hình thức văn bản, điện thoại, email,... Đồng thời, Cục đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương để thống nhất phương án chỉ đạo, điều tiết nước các hồ chứa, đặc biệt là trong những thời gian xảy ra hạn hán thiếu nước để đảm bảo việc vận hành các hồ chứa cung cấp đủ nước cho hạ du các lưu vực sông. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định về xác định dòng chảy tối thiểu (DCTT) trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng. Thông tư này là cơ sở phục vụ công tác xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ du các hồ chứa, góp phần quan trọng hơn đó là giảm thiểu những tác động do việc khai thác, sử dụng nước của các hồ chứa, bảo đảm hạn chế tối đa việc tạo ra những đoạn sông khô cạn và giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động khai thác, sử dụng của người dân phía hạ lưu phụ thuộc vào nguồn nước trên các sông, suối có xây dựng hồ chứa. Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp trên 500 giấy phép khai thác cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Trong các giấy phép luôn yêu cầu các hồ chứa phải đảm bảo DCTT hạ du, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tác động của việc vận hành các hồ chứa đến hạ du. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống giám sát việc khai thác, sử dụng nước của các công trình giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đây là công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ công tác ra quyết định, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực tài nguyên nước. PV: Để đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Cục Quản lý tài nguyên nước đã định hướng những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới, thưa bà? Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh: Trước các thách thức về an ninh nguồn nước, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ có hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý tài nguyên nước là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; đồng thời trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Đặc biệt là cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước. Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Đồng thời tổng kiểm kê tài nguyên nước và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước. Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,…nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, hoàn thiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư các công trình trữ nước, điều tiết nước có hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra các vấn đề lũ lụt, hạn hán thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay. Thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Nghiên cứu, rà soát các khuyến nghị của Ngân hàng thế giới trong báo cáo Nghiên cứu về quản trị tài nguyên nước trong tình hình mới, đặc biệt khuyến nghị về thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành; tăng cường hiệu quả sử dụng nước, giải quyết các vấn đề ô nhiễm tài nguyên nước trên các lưu vực sông; đảm bảo sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước cho các mục đích sử dụng; tham gia tích cực và thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước trên cơ sở hợp tác, phối hợp, đấu tranh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn tài nguyên nước, trên nguyên tắc bảo đảm công bằng, hợp lý và bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Trân trọng cảm ơn Phó cục trưởng!