An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam

Hội thảo “An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 29/10 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ nhiều cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong và ngoài Liên hiệp Hội Việt Nam, các đối tác của các tổ chức xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết, trong năm 2020, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Mới đây, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Mặt khác, tài nguyên nước Việt Nam tuy phong phú, tuy nhiên, nguồn nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cấp ngoài biên giới. Nguồn nước Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề, lượng nước phân bổ không đều trong năm lúc quá ít, khi quá nhiều. Do đó, việc đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời, nêu rõ những thách thức, rào cản, bất cập và những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân cũng cho biết, Hội thảo này sẽ thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nước, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Cụ thể, thảo luận các vấn đề về nước với cuộc sống và sức khỏe con người, môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; sự tham gia và khẳng định vai trò và đóng góp của các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội trong các hoạt động liên quan đến nước và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, thảo luận về các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

Bên cạnh phiên toàn thể, hội thảo còn có 3 phiên song song, với các chủ đề: nước với sức khỏe; nước - môi trường và biến đổi khí hậu; môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động của tổ chức xã hội. Trước hội thảo này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo vệ tinh với chủ đề “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc”.
 

04 11 2020 2
Toàn cảnh Hội thảo

Tham luận về nội dung “An ninh nguồn nước - Thách thức và giải pháp’, Tiến sĩ Lê Thị Việt Hoa, Trưởng phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước - Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông và phân bố không đều theo thời gian trong năm; nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm đặc biệt là trong mùa khô; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do bị ô nhiễm; rừng đầu nguồn suy giảm, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động ngày càng mạnh mẽ tới tài nguyên nước; công tác quản trị nước, hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới cũng còn những hạn chế nhất định.

Chia sẻ về các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, Tiến sĩ Lê Thị Việt Hoa cũng cho biết, đảm bảo an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt. Trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo hướng xã hội hóa.

Cùng với đó, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ, ngành có quản lý sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; hoàn thiện hệ thống giám sát tài nguyên nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức, nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,… Nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với từng vùng nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;…

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường . Tuy nhiên, việc cấp nước an toàn còn gặp một số hạn chế như nước chưa được coi trọng là hàng hóa đặc biệt, hoạt động cấp nước nguy cơ mất an toàn cao do nguồn nước thiếu, nhiễm mặn, ô nhiễm. Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn chưa hợp lý. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự đảm bảo chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu.

Bàn về vai trò của các tổ chức xã hội góp phần bảo đảm an ninh nước quốc gia, TS. Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù khung pháp lý và thể chế quản lý nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến địa phương liên quan đến quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đã hình thành, ổn định, nhưng vấn đề suy thoái và cạn kiệt nguồn nước các hệ thống sông suối trên toàn quốc vẫn diễn ra phức tạp; mâu thuẫn và tranh chấp nguồn nước giữa các ngành/hộ dùng nước vẫn diễn ra ở một số địa phương; an ninh nguồn nước và an ninh cấp nước còn nhiều bất cập. Theo đó, cần phải triển khai các biện pháp tăng cường an ninh nước trong điều kiện biến đổi khí hậu như: tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước qua phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; tăng cường đầu tư hoạt động khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn; nâng cao nhận thức và sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước quốc gia.

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý đã đóng góp nhiều giải pháp, thảo luận các vấn đề về Nước với cuộc sống và sức khỏe con người; môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; vai trò, đóng góp của các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội trong các hoạt động liên quan đến nước và phát triển bền vững ở Việt Nam; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, an ninh nguồn nước là mối quan tâm của toàn thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… Bên cạnh các luật này, cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước, bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban đã được Lãnh đạo Quốc hội phân công đi giám sát công tác an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập tại 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ; duyên hải Miền Trung; Nam Trung Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Bắc. Qua giám sát, Đoàn công tác đã chỉ ra một số thách thức với an ninh nguồn nước. Trên cơ sở này, Ủy ban đã tổ chức Hội nghị giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng một số bộ, ngành có liên quan về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” vào ngày 17/8/2020 nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20 đến 30 năm tới (về trữ lượng, năng lực khai thác, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt; an ninh nguồn nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về ô nhiễm nguồn nước và xả thải vào lưu vực sông; về hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước); giải pháp quản lý, ứng phó, kiểm soát vấn đề này. Sau hội nghị giải trình này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo kênh truyền hình Quốc hội xây dựng báo cáo và 01 bộ phim liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Đây sẽ là tài liệu tham khảo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận tại phiên kinh tế - xã hội diễn ra sắp tới để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch trong 5 năm, 10 năm tới và thời gian lâu hơn, đồng thời, là cơ sở để đưa vào kế hoạch tài chính trung hạn nhằm những giải pháp phân bổ tài chính kịp thời cho nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng đánh giá cao các bài tham luận trình bày tại hội thảo này. “Trên thực tế, tất cả các giám sát của Ủy ban đối với các vấn đề kinh tế - xã hội đều có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Những ý kiến, kinh nghiệm mà các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đúc rút, đóng góp là nguồn tham khảo quý báu để đưa vào những Nghị quyết, văn kiện, dự thảo Luật để phục vụ cho đất nước ta phát triển hơn”. - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh tại Hội thảo.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay9,025
  • Tháng hiện tại188,903
  • Tổng lượt truy cập27,213,067
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây