Kon Tum phấn đấu đạt 55% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2030
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 55% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người; 70% hộ gia đình nông thôn, 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 80% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; phấn đấu 10% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 5% nước thải sinh hoạt được xử lý; 60% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Đến năm 2045, Kon Tum phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Kon Tum sẽ đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động và loại hình truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao ý thực bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước.
Đồng thời, lồng ghép xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, lũ, ngập lụt, úng trong vùng bị ảnh hưởng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, xây dựng lộ trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với kết cấu hạ tầng nông thôn; hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư… Thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh Kon Tum giao sở TN&MT Kon Tum theo dõi, quản lý việc khai thác sử dụng nguồn nước; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; hướng dẫn, kiểm tra việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra và xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.